Skip to content

VJShop.vn

Sử dụng đèn flash có thể là một trong những cách hiệu quả nhất để nâng tầm kỹ năng nhiếp ảnh của bạn. Tuy nhiên, nhiều nhiếp ảnh gia mới thường gặp những sai lầm khi chụp ảnh với đèn flash khá phổ biến, kể cả những người chụp lâu năm cũng hay gặp các vấn đề tương tự. Vậy nên, hãy cùng VJShop tìm hiểu đó là những vấn đề nào và cùng nhau tìm cách giải quyết để ngay một nâng cao kỹ năng chụp hình nhé!

Xem thêm:

Tóm tắt nội dung:

  1. Các lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash
    1. Sử dụng chế độ chụp tự động
    2. Chỉ dụng đèn flash tích hợp trên máy ảnh
    3. Không khuếch tán ánh sáng đèn flash
    4. Thiếu kiểm soát ánh sáng môi trường khi chụp với flash
    5. Lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash: Mở khẩu quá lớn
    6. Hiểu sai về vai trò của tốc độ màn trập khi chụp với đèn flash
    7. Sai lầm thường gặp khi chụp với đèn flash: Cân bằng trắng sai
    8. Sử dụng đèn chiếu sáng liên tục không phù hợp
    9. Không sử dụng đèn flash khi chụp ảnh
  2. Tổng kết

Các lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash

Sử dụng chế độ chụp tự động

Lỗi phổ biến nhất mà nhiều nhiếp ảnh gia mắc phải khi sử dụng đèn flash chính là quá phụ thuộc vào các chế độ tự động có sẵn trên máy ảnh. Trong hầu hết các tình huống chụp thông thường, các chế độ bán tự động như ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority) hay Auto ISO có thể giúp bạn đo sáng nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, với nhiếp ảnh sử dụng đèn flash, những chế độ này thường gây bất lợi và dẫn đến kết quả không như mong muốn.

Khắc phục lỗi này rất đơn giản, bạn chỉ cần chuyển chế độ chụp sang thủ công (Manual). Khi mới bắt đầu chụp, có thể chế độ Manual có thể khiến bạn cảm thấy phức tạp, nhưng trên thực tế nó lại giúp việc kiểm soát ánh sáng đèn flash dễ dàng và chính xác hơn nhiều. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử sử dụng chế độ đèn flash thủ công thay vì sử dụng flash TTL như nhiều nhiếp ảnh gia khác - mặc dù chế độ này cho phép người dùng có thể phản ứng nhanh hơn khi chuyển đổi giữa các loại chủ thể khác nhau.

Ảnh chụp bằng Panasonic Lumix DC-G9 + LEICA DG SUMMILUX 9mm F1.7 ở tiêu cự 9mm, ISO 100, 1/80, f/9.0

Chỉ cần luyện tập một chút, bạn sẽ biết nên bắt đầu với thiết lập nào. Ví dụ, khi chụp macro, bạn có thể bắt đầu với các thông số: khẩu độ f/11, tốc độ 1/200 giây, ISO 200 và đèn flash đặt ở mức ¼ công suất. Thiết lập này thường đã rất gần với độ sáng mong muốn, và bạn chỉ cần chỉnh nhẹ lại công suất flash hoặc khẩu độ là đủ.

Chỉ dụng đèn flash tích hợp trên máy ảnh

Việc đánh flash từ cùng một góc với ống kính máy ảnh thường không tạo ra ánh sáng đẹp, và gây ra nhiều vấn đề: ánh sáng phẳng, ít bóng đổ, mắt chủ thể dễ bị đỏ, và ảnh thiếu chiều sâu. Đây là lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash và thường được biết đến với tên gọi “ hiện tượng mắt đỏ”, tạo ra bức ảnh với một vẻ ngoài gượng gạo và thiếu tự nhiên.

Giải pháp hiệu quả cho vấn đề này là sử dụng đèn flash rời, có thể kích hoạt bằng dây nối hoặc bộ kích hoạt không dây. Nếu bạn muốn ánh sáng chất lượng cao hơn, thì việc tách flash ra khỏi máy ảnh là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chỉ cần đặt đèn flash lệch đi vài bước so với thân máy là ánh sáng đã trông tự nhiên và đẹp hơn rõ rệt. Ngoài ra, việc này còn cho phép bạn sáng tạo hơn trong việc kiểm soát bóng đổ, từ đó tạo chiều sâu và điểm nhấn cho ảnh.

Lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash: Chỉ dụng đèn flash tích hợp trên máy ảnh

Trong trường hợp bạn bắt buộc phải giữ flash trên máy, hãy đảm bảo hãy sử dụng một hình thức tản sáng nào đó. Bạn có thể hắt đèn flash vào bề mặt phản chiếu như trần nhà khi chụp chân dung trong nhà (gọi là bounce flash), hoặc gắn một miếng tản sáng nhỏ phía trước đầu đèn. Mặc dù, việc sử dụng flash rời sẽ là ưu tiên hàng đầu mang lại chất lượng tốt hơn, nhưng hai giải pháp này vẫn tốt hơn nhiều so với việc đánh trực tiếp flash trần vào mặt chủ thể.

Không khuếch tán ánh sáng đèn flash

Việc sử dụng đèn flash mà không tản sáng gần như chắc chắn sẽ tạo ra bóng gắt và các vùng sáng cháy kém thẩm mỹ. Đây là một lỗi phổ biến và thường đi kèm với việc dùng đèn flash ngoài máy ảnh. Chỉ cần kết hợp đèn flash rời với một bộ khuếch tán ánh sáng, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về chất lượng ánh sáng trong ảnh.

Bức ảnh được chụp bằng OM-1 + OM 90mm F3.5 @ 90mm, ISO 200, 1/250, f/10.0

Hiểu đơn giản, bộ khuếch tán giúp phân tán ánh sáng từ đèn flash, khiến ánh sáng không còn phát ra từ một điểm duy nhất. Điều này giúp làm mềm bóng đổ và giảm hiện tượng phản sáng chói gắt trên da hoặc các bề mặt sáng. Trong đó, bức tường trắng hoặc tấm phản sáng cũng có thể hoạt động tương tự như một bộ tản sáng - bằng cách phản chiếu và làm lan tỏa ánh sáng trước khi ánh sáng chạm vào chủ thể. Vì vậy, nếu bạn đang chụp trong nhà, đôi khi chỉ cần hắt đèn flash lên trần nhà là đủ để đạt được hiệu ứng ánh sáng mềm mại mà không cần mang theo thiết bị tản sáng chuyên dụng.

Thiếu kiểm soát ánh sáng môi trường khi chụp với flash

Hậu quả

Đèn flash cho phép bạn kiểm soát hoàn toàn ánh sáng chiếu vào chủ thể. Bạn có thể thay đổi vị trí bóng đổ (bằng cách điều chỉnh vị trí đèn hoặc tấm hắt sáng) cũng như cường độ ánh sáng (thông qua việc tản sáng). Tuy nhiên, trên thực tế, thường sẽ có những nguồn sáng khác ngoài đèn flash xuất hiện trong khung hình.

Hậu quả khi thiếu kiểm soát ánh sáng môi trường khi chụp với flash

Các nguồn sáng môi trường như ánh sáng mặt trời, ánh sáng từ bầu trời, đèn trần trong nhà hoặc đèn pin,… đều có thể lọt vào ảnh nếu bạn không chú ý. Khi đó, bạn buộc phải hoặc là tăng công suất đèn flash để lấn át ánh sáng môi trường, hoặc là kết hợp hài hòa với ánh sáng môi trường để tạo nên một bức ảnh có ánh sáng cân đối. Nếu chỉ chăm chăm vào ánh sáng từ đèn flash mà không kiểm soát ánh sáng môi trường, bức ảnh rất dễ bị:

  • Phản chiếu hoặc bóng đổ không mong muốn, nhất là trong mắt chủ thể.
  • Tạo ra màu sắc lạ do sai lệch cân bằng trắng giữa các nguồn sáng.
  • Ánh sáng không đều, nhất là ở các vùng bóng.

Giải pháp

Chỉ có một giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này, đó là bạn cần phải loại bỏ hoàn toàn ánh sáng môi trường. Để làm điều này, bạn cần:

  • Đặt công suất flash ở mức cao.
  • Khép khẩu (giảm khẩu độ) để hạn chế ánh sáng môi trường lọt vào cảm biến.
  • Đặt đèn flash ở gần chủ thể, để ánh sáng từ đèn có thể đủ mạnh để chi phối toàn bộ ảnh.

Kỹ thuật này rất hiệu quả trong ảnh macro, nơi mà ngay cả khi chụp ban ngày, bạn vẫn có thể khiến bức ảnh trông như được chụp vào ban đêm nếu sử dụng đèn flash đủ mạnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, vẫn sẽ có ánh sáng môi trường tồn tại trong cảnh, nhất là khi chụp chân dung ngoài trời, do cảnh sáng mạnh và chủ thể ở xa. Trong những tình huống như vậy, giải pháp hợp lý lại là làm điều ngược lại: giảm công suất flash thay vì tăng lên. Lúc này, bạn chỉ cần dùng flash để bù sáng nhẹ (fill-in), chứ không cần làm chủ thể sáng rực hơn toàn cảnh, vì thế kỹ thuật này thường được gọi là “fill flash” (flash bù sáng).

Giải pháp để khắc phục lỗi sai khi chụp với đèn flash không kiểm soát ánh sáng môi trường

Ví dụ, nếu bạn đang chụp trong khung cảnh hoàng hôn, bạn muốn giữ lại ánh sáng vàng rực rỡ tự nhiên của “giờ vàng”. Để làm được điều này, bạn phải giảm công suất flash xuống, để ánh sáng từ đèn có độ sáng tương đương với ánh sáng môi trường. Đây là một bài toán cân bằng ánh sáng, và thường cần thử nghiệm nhiều lần để tìm được mức flash phù hợp. Đó là lý do vì sao nhiều nhiếp ảnh gia thường ưu tiên flash thủ công (manual flash) hơn là chế độ TTL tự động.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng filter màu cho đèn flash để điều chỉnh nhiệt độ màu. Điều này đặc biệt hữu ích khi chụp trong ánh sáng nhân tạo hoặc lúc hoàng hôn. Nếu không sử dụng gel màu, ảnh sẽ dễ bị “lộ” là bạn đang dùng đèn flash. Khi đó, chủ thể sẽ bị chiếu bởi ánh sáng trắng lạnh, trong khi hậu cảnh lại có màu vàng cam ấm áp. Flash gels là cách hiệu quả nhất để đồng bộ màu sắc giữa chủ thể và môi trường.

Lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash: Mở khẩu quá lớn

Bức ảnh của bạn quá sáng khi chụp với đèn flash? Điều này xảy ra có thể là do khi bạn chụp với đèn flash nhưng mở khẩu quá lớn. Khi gặp trong hợp này, nhiều người sẽ nghĩ là nên giảm công suất đèn flash. Tuy nhiên, trong thực tế đó không phải là cách làm đúng. Đặc biệt, nếu cả bức ảnh đều bị cháy sáng, chứ không chỉ vùng được đèn chiếu vào.

Lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash: Mở khẩu quá lớn

Một vấn đề phổ biến trong nhiếp ảnh với flash là hầu hết các máy ảnh đều có giới hạn tốc độ đồng bộ flash (flash sync speed), thường tối đa chỉ khoảng 1/200 đến 1/250s. Tốc độ này thường đủ dùng trong hầu hết các trường hợp, nhưng nếu chụp trong điều kiện ngoài trời sáng mạnh như trên bãi biển hoặc nền tuyết, máy ảnh có thể ghi nhận ánh sáng môi trường quá nhiều, gây ra hiện tượng ảnh bị cháy sáng. Do đó, nếu ảnh bị cháy sáng, bạn khép khẩu lại (giảm khẩu độ) - tức là sử dụng khẩu nhỏ hơn để giảm lượng ánh sáng đi vào máy ảnh. Sau đó, bạn thậm chí có thể cần tăng công suất đèn flash để bù sáng cho chủ thể. Nói cách khác, bức ảnh bị cháy sáng không phải do đèn flash quá sáng, mà là ánh sáng môi trường quá mạnh gây nên vấn đề.

Hiểu sai về vai trò của tốc độ màn trập khi chụp với đèn flash

Thông thường, khi chụp ảnh, chúng ta hiểu rằng tốc độ màn trập là yếu tố quyết định lượng ánh sáng đi vào máy và mức độ nhòe chuyển động trong ảnh. Tuy nhiên, khi sử dụng đèn flash, mọi thứ trở nên khác biệt. Lúc này, bạn đang xử lý hai nguồn sáng cùng lúc, gồm: ánh sáng từ đèn flash và ánh sáng từ môi trường. Trong đó, tốc độ màn trập chỉ ảnh hưởng đến phần ánh sáng môi trường và không ảnh hưởng đến ánh sáng từ đèn flash. 

Ví dụ, nếu bạn đang chụp trong studio hoàn toàn tối và chỉ sử dụng đèn flash, thì dù bạn cài đặt 1/200s hay 30s, ảnh cho ra vẫn sẽ giống hệt nhau, miễn là công suất đèn flash không thay đổi. Vì ánh sáng chỉ đến từ đèn flash, và đèn này chỉ phát sáng trong một khoảng thời gian cực ngắn (thường dưới 1/1000s), nên thời gian mở màn trập dài hơn cũng không "ghi" thêm ánh sáng nào.

Hiểu sai về vai trò của tốc độ màn trập khi chụp với đèn flash

Điều này cũng không có nghĩa là tốc độ màn trập vô ích khi chụp với đèn flash. Thực tế, tốc độ màn trập vẫn rất quan trọng trong việc kiểm soát ánh sáng môi trường xung quanh. Khi thay đổi tốc độ màn trập, độ sáng của môi trường xung quanh đối tượng của bạn sẽ thay đổi, và chuyển độ mờ trong môi trường đó cũng vậy. Do đó, bạn có thể chụp một chủ thể đứng yên với flash (rất nét) nhưng hậu cảnh lại có hiệu ứng chuyển động nhòe, nếu thiết lập tốc độ màn trập khi chụp đủ dài. Ngược lại, nếu bạn muốn làm tối hậu cảnh đi, hãy chụp với tốc độ màn trập nhanh nhất có thể mà vẫn đồng bộ được với flash (thường là 1/200s hoặc 1/250s, tùy máy ảnh).

Sai lầm thường gặp khi chụp với đèn flash: Cân bằng trắng sai

Khi mới làm quen với đèn flash, nhiều người thường bị cân bằng trắng sai, tạo ra bức ảnh với màu sắc ánh sáng khá khó chịu. Có thể ánh sáng từ đèn bị chắn một phần bởi chiếc lá xanh, hoặc tấm tản sáng tự chế khiến ánh sáng bị ám xanh,... Điều này gây ra nhiều bức ảnh dùng flash bị sai lệch màu sắc khá nặng. Để xử lý vấn đề này, bạn có thể làm theo 2 cách sau:

  • Thiết lập cân bằng trắng thủ công riêng cho từng bộ đèn flash.
  • Chụp RAW để chỉnh sửa cân bằng trắng dễ dàng hơn trong hậu kỳ.

Sai lầm thường gặp khi chụp với đèn flash: Cân bằng trắng sai

Về cách đầu tiên, không phải đèn hay tấm tản sáng nào cũng cho ánh sáng giống nhau. Một số tấm tản sáng sau quá trình sử dụng lâu dài, bị dính bụi bẩn và khiến màu sắc nó bị ám màu cam nhẹ. Một số tấm tản sáng khá lại có thể có tông màu hơi lạnh hơn, do sử dụng chất liệu khác. Do đó, nếu bạn cân bằng trắng không phù hợp, ảnh RAW từ hai bộ setup này sẽ đều trông rất sai màu. 

Bạn có thể hiệu chỉnh cân bằng trắng ngay trong máy ảnh bằng cách chụp một vật thể có màu trắng tinh (như giấy in trắng) và sử dụng chế độ cân bằng trắng tùy chỉnh (Custom White Balance). Hầu hết máy ảnh đều hỗ trợ tính năng này, chỉ cần tìm hướng dẫn chi tiết theo mẫu máy bạn đang dùng. Tuy nhiên, nếu bạn đã chụp ở định dạng RAW, thì việc điều chỉnh cân bằng trắng trong hậu kỳ rất dễ dàng và không gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng ảnh. Nhược điểm duy nhất là bạn sẽ tốn thời gian nếu phải chỉnh lại từng ảnh một.

Sử dụng đèn chiếu sáng liên tục không phù hợp

Là một nhiếp ảnh gia, có lẽ bạn sẽ thường phải sử dụng đèn chiếu sáng liên tục (Focus Light) để nhìn rõ chủ thể, căn bố cục và lấy nét chính xác. Tuy nhiên, nếu đèn quá sáng, nó có thể gây ra hiện tượng phản chiếu không mong muốn hoặc làm lệch màu ảnh. Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn là đèn chất lượng kém có thể khiến việc lấy nét khó hơn chứ không dễ hơn. 

Sử dụng đèn chiếu sáng liên tục không phù hợp

Nhiều loại đèn chiếu sáng không phát ánh sáng liên tục mà chớp nhanh theo chu kỳ - đủ nhanh để mắt người không nhận ra, nhưng máy ảnh lại có thể chụp được. Khi đó, bạn sẽ thấy các vệt đen nhấp nháy xuất hiện trong màn hình live view khi căn chỉnh ảnh, gây khó khăn trong việc bố cục và lấy nét.Vì vậy, hãy chọn đèn hỗ trợ lấy nét có thể điều chỉnh độ sáng, lý tưởng nhất là có chế độ giảm sáng đến mức rất thấp. Đồng thời, nên thử đèn trước khi mua hoặc sử dụng để kiểm tra xem nó có gây ra hiện tượng vệt đen hay nhấp nháy trên màn hình không.

Không sử dụng đèn flash khi chụp ảnh

Một sai lầm khá lớn của nhiều bạn khi chụp ảnh, đó là không sử dụng  đèn flash ngay từ đầu. Nhiều người cố tình tránh chụp với flash - có thể do họ gặp các vấn đề ở trên và chưa tìm ra cách khắc phục. Tuy nhiên, khi nắm được kỹ thuật, bạn hoàn toàn có thể làm chủ ánh sáng với đèn flash. 

Không sử dụng đèn flash khi chụp ảnh sẽ khiến bức ảnh của bạn không thu được đầy đủ các chi tiết của chủ thể

Thực tế, đèn flash mang lại rất nhiều khả năng và giải pháp trong nhiếp ảnh. Nó cho phép bạn kiểm soát ánh sáng ở mức độ mà ánh sáng tự nhiên không thể làm được. Ngay cả khi bạn yêu thích vẻ đẹp của ánh sáng tự nhiên, vẫn hoàn toàn có thể tạo ra ánh sáng từ flash trông tự nhiên, tinh tế và đầy cảm xúc không kém. Vì vậy, nếu bạn đang né tránh đèn flash, hãy thử bắt đầu chụp lại ảnh với đèn flash. 

Tổng kết

Trên đây là tổng hợp những lỗi thường gặp khi chụp ảnh với đèn flash và những giải pháp được đưa ra để giúp bạn có thể chụp ảnh với đèn flash một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi hy vọng, qua bài viết này bạn sẽ không còn e ngại khi sử dụng đèn hỗ trợ ánh sáng này nữa. Bạn sẽ nắm được kỹ thuật ánh sáng đèn flash chắc chắn và cải thiện khả năng chụp của mình một cách nhanh chóng, mở rộng khả năng sáng tạo nhiếp ảnh của bản thân. 

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần hỗ trợ nào về nhiếp ảnh, vui lòng liên hệ VJShop.vn để được hỗ trợ tốt nhất nhé!