
Không phải nhiếp ảnh gia nào cũng làm tốt khâu hậu kỳ. Một số người vì quá mức muốn bức ảnh “hoàn hảo” mà chỉnh quá tay, làm mất đi vẻ chân thực vốn có của nó. Trong khi đó, cũng có những người lại xem nhẹ giai đoạn này, chỉnh sửa qua loa, mà không tận dụng được công cụ để làm bức ảnh trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, việc lọc ảnh và hậu kỳ là hai bước vô cùng quan trọng trong quá trình nhiếp ảnh và không nên bỏ qua hay làm một cách hời hợt. Việc chọn ảnh được ra những tấm hình tốt nhất từ những bức ảnh đã chụp, sẽ giúp bạn có thể truyền tải thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Còn hậu kỳ sẽ đóng vai trò hoàn thiện tác phẩm, giúp bức ảnh được lựa chọn trở nên thật sự ấn tượng.
Tóm tắt nội dung: |
Tại sao bước lọc ảnh lại quan trọng?
Lọc ảnh là một bức quan trọng để chọn ra được những bức ảnh bạn muốn lưu giữ và chia sẻ. Từ hàng nghìn tấm ảnh đã chụp, bạn sẽ lọc ra được những bức ảnh giá trị nhất. Càng chọn lọc kỹ càng, bạn sẽ càng có được bộ ảnh tốt hơn, đồng thời quá trình này cũng giúp bạn rèn luyện tư duy và kỹ năng nhiếp ảnh.
Chỉ chia sẻ những bức ảnh xuất sắc sẽ khiến người xem đánh giá cao tay nghề của bạn hơn. Quan trọng là, bạn cũng sẽ nhìn nhận bản thân tích cực hơn, tăng sự tự tin trong vai trò nhiếp ảnh gia. Chất lượng quan trọng hơn số lượng: Không quan trọng bạn chụp bao nhiêu ảnh trong một buổi, điều quan trọng là trong số đó có bao nhiêu tấm thực sự tốt.
Điều này cũng đã từng được nhiếp ảnh gia huyền thoại Ansel Adams nói: “Một năm có mười hai bức ảnh thực sự ấn tượng đã là một vụ mùa bội thu.” Điều này càng cho thấy, lọc ảnh là một điều cực kỳ quan trọng trong nhiếp ảnh. Mỗi khi bạn chia sẻ ảnh, dù là với công chúng hay đơn giản chỉ là bạn bè, người thân. Một vài bức ảnh được chọn lọc kỹ càng, thường được đánh giá cao hơn là một chuỗi dài những ảnh chất lượng trung bình hoặc nhiều ảnh tốt nhưng quá giống nhau.
Vậy làm thế nào để chọn được ảnh “tốt nhất” và nên loại bảo bao nhiêu ảnh? Nhiều nhiếp ảnh gia chọn cách ưu tiên loại bỏ những bức ảnh mắc lỗi kỹ thuật như mất nét, phơi sáng sai hoặc bố cục chưa chuẩn. Tuy nhiên, để chọn được bức ảnh tốt nhất, bạn nên tập trung vào việc chọn được những bức ảnh truyền tải được cảm xúc hoặc thông điệp mà người chụp hình dung khi bấm máy, thay vì chăm chăm loại bỏ ảnh có lỗi sai kỹ thuật khi chụp. Bạn chỉ nên chọn một vài bức ảnh xuất sắc nhất, còn lại nên loại bỏ dứt khoát mà không nuối tiếc, số lượng ảnh bị loại bỏ có khi chiếm hơn 90% trên tổng số ảnh.
Việc chọn lọc hình ảnh, xét cho cùng, không chỉ đơn thuần là thao tác kỹ thuật. Đó còn là quá trình rèn luyện sự trung thực trong tư duy hình ảnh, sự tinh tế trong cảm nhận thị giác và khả năng tự đánh giá một cách khách quan. Chính trong quá trình này bạn sẽ hình thành nên phẩm chất quan trọng ngang với kỹ thuật - giúp bạn tiến xa hơn trong hành trình nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Cách lọc ảnh hiệu quả, nhanh chóng
Một nguyên tắc cơ bản và rõ ràng khi bắt đầu quá trình chọn lọc ảnh là không nên giữ lại những bức ảnh có lỗi kỹ thuật nghiêm trọng mà bạn cảm thấy không thể chấp nhận được. Trong một số trường hợp, nhiếp ảnh gia có thể cố ý tạo ra hiệu ứng như nhòe chuyển động hoặc các “lỗi” mang tính nghệ thuật. Dĩ nhiên, những bức ảnh này hoàn toàn xứng đáng được giữ lại. Tuy nhiên, các lỗi kỹ thuật không chủ đích như mất nét nặng, phơi sáng sai hoàn toàn, hoặc nhiễu quá mức,… sẽ càng khiến bạn khó chịu theo thời gian và nên được loại bỏ khỏi danh sách cân nhắc.
Sau khi loại trừ về mặt kỹ thuật, bước tiếp theo là đánh giá hình ảnh dựa trên hiệu quả nghệ thuật. Đây là một quá trình đòi hỏi sự cảm thụ hình ảnh sâu sắc và bao gồm nhiều yếu tố như:
- Cảm xúc và ấn tượng thị giác: Một bức ảnh thành công là bức ảnh có khả năng khơi gợi cảm xúc hoặc tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Điều này có thể đến từ chủ đề, bố cục, ánh sáng, màu sắc hay độ tương phản. Nhưng dù đến từ yếu tố nào, bức ảnh phải “chạm” được đến người xem.
- Tính rõ ràng trong thông điệp: Bức ảnh nên thể hiện được câu chuyện hoặc ý tưởng mà nhiếp ảnh gia muốn truyền tải. Dù đó là một dự án nghệ thuật phức tạp, hay đơn giản chỉ là mong muốn khắc họa vẻ đẹp của phong cảnh, hay chiều sâu trong ánh nhìn của một nhân vật.
- Tính độc đáo và sáng tạo: Một bức ảnh thực sự nổi bật thường mang đến một góc nhìn mới mẻ, độc đáo. Bạn phải tìm được điều khiến nó khác biệt giữa hàng loạt hình ảnh khác và tạo dấu ấn riêng cho tác giả.
Giả sử, bạn đang lựa chọn ảnh cho một dự án cụ thể, chẳng hạn như: bài thuyết trình, hồ sơ cá nhân (Portfolio) hoặc sách ảnh,... Trong trường hợp này, tính nhất quán về phong cách giữa các bức ảnh được chọn và phong cách nhiếp ảnh chung của bạn cũng là yếu tố quan trọng hơn cả. Sự đồng bộ này giúp duy trì một mạch kể chuyện thị giác xuyên suốt, đồng thời tạo nên dấu ấn cá nhân rõ ràng, dễ nhận diện trong mắt người xem.
Tuy nhiên, trong các dự án mang tính trình bày hoặc kể chuyện như vậy, sự đa dạng lại càng cần thiết hơn nữa. Hai bức ảnh quá giống nhau về: bố cục, chủ thể, hoặc cảm xúc - có thể làm gián đoạn mạch cảm xúc của người xem và phá vỡ sự nhịp nhàng của cả loạt ảnh. Vì vậy, việc lựa chọn cần khéo léo cân bằng giữa tính liên kết thị giác và sự phong phú về nội dung và cách thể hiện, để tạo nên một bộ ảnh vừa mạch lạc vừa cuốn hút.
Giai đoạn xử lý hậu kỳ ảnh
Quá trình xử lý hậu kỳ ảnh cho phép các nhiếp ảnh gia tinh chỉnh bức ảnh trở nên hoàn hảo hơn. Phần mềm xử lý ảnh có thể rất phức tạp để sử dụng, nhưng bạn chỉ cần nắm được một số công cụ dưới đây thì quá trình xử lý này đã có thể đơn giản hóa hơn rất nhiều:
- Cân bằng trắng (White Balance): Không chỉ là yếu tố kỹ thuật để điều chỉnh màu sắc chính xác, cân bằng trắng còn là công cụ nghệ thuật có thể thay đổi hoàn toàn bầu cảm xúc của bức ảnh.
- Phơi sáng (Exposure): Cường độ ánh sáng tổng thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc. Bức ảnh "low-key" (tối) hay "high-key" (sáng) sẽ tạo ra những ấn tượng thị giác hoàn toàn khác nhau. Tùy theo từng mục đích, mà bạn có thể điều chỉnh bức ảnh sáng hoặc tối để giúp bức ảnh trở nên thu hút hơn.
- Tương phản (Contrast): Điều chỉnh độ tương phản giúp ảnh trở nên mạnh mẽ hơn hoặc dịu nhẹ hơn bằng cách thay đổi sự chênh lệch giữa vùng sáng và vùng tối.
- Độ bão hòa (Saturation): Điều chỉnh độ rực của màu sắc, từ đó tác động đến tâm trạng và thông điệp thị giác của ảnh.
- Độ rõ nét (Clarity): Tăng độ tương phản trong các khu vực giữa tông màu, nhấn mạnh kết cấu và chi tiết và tầm quan trọng của chúng trong bố cục.
- Độ sắc nét (Sharpness): Bạn chỉ nên làm tăng hoặc giảm độ sắc nét các chi tiết ở cấp độ nhỏ. Bởi nếu chỉnh quá tay, bức ảnh sẽ sẽ khiến ảnh trông cứng và bị ảo.
- Giảm nhiễu (Noise Reduction): Làm mượt các vùng nhiễu, đặc biệt trong ảnh chụp thiếu sáng. Nhưng nếu áp dụng quá nhiều, ảnh có thể mất chi tiết và trở nên không chân thật.
- Cắt xén ảnh (Cropping): Việc cắt ảnh nhẹ nhàng có thể cải thiện bố cục. Tuy nhiên, cắt quá nhiều thường là dấu hiệu của lỗi bố cục ngay từ khi chụp.
- Xóa chi tiết (Spot Healing): Công cụ này cho phép bạn loại bỏ đối tượng trong ảnh. Với những đối tượng và chi tiết thừa, việc loại bỏ là điều cần thiết để không làm người nhìn bị phân tâm và có thể tập trung vào chủ thể chính.
Tên gọi của các công cụ có thể khác nhau tùy vào phần mềm bạn sử dụng. Các chỉnh sửa có thể được áp dụng lên toàn bộ ảnh hoặc cục bộ chỉ tác động đến một phần ảnh. Phần lớn ảnh chỉ cần tinh chỉnh toàn cục để cải thiện rõ rệt, trong khi chỉnh sửa cục bộ giúp hoàn thiện chi tiết. Việc hậu kỳ có thể thay đổi ảnh rất mạnh, nhưng chỉnh sửa vừa phải, giữ lại càng nhiều đặc điểm tự nhiên và bản sắc ban đầu của ảnh sẽ là tốt nhất.
Tôn trọng tính chân thực của ảnh trong hậu kỳ
Hậu kỳ là một phần quan trọng trong quá trình sáng tạo hình ảnh, nhưng cũng là nơi dễ nảy sinh tranh cãi nếu người chỉnh sửa không xác định rõ ranh giới giữa cải thiện ảnh và thay đổi sự thật. Bởi các công cụ ngày nay cho phép bạn có thể thay thêm hoặc bớt bất kỳ thứ gì bạn muốn khỏi bức ảnh. Bạn có thể đổi nền hoặc dán chủ thể vào một cảnh khác. Và phần mềm tốt có thể mang đến kết quả chỉnh sửa tự nhiên như thật, bất kể bức hình được chỉnh sửa nhiều như thế nào.
Đây là điều đáng lo ngại đối với tư cách là một nhiếp ảnh gia. Bởi công cụ chỉ nên sử dụng để tối ưu hóa ảnh và làm rõ nét hơn “ý định” của nhiếp ảnh gia đó, từ bức ảnh mình đã chụp. Tinh chỉnh và chỉnh sửa ảnh là một cách thích hợp để làm nổi bật những gì bạn đã chụp. Nhưng một khi bạn sử dụng nó để thay đổi bản chất của những gì bạn chụp, thì đó có còn là nhiếp ảnh nữa không? Đó là vấn đề đáng để đặt ra khi công nghệ phát triển ngày càng cho phép bạn chỉnh sửa gần như là thay đổi bức ảnh một cách hoàn toàn.
Một bức được tinh chỉnh tốt là bức ảnh được loại bỏ các thành phần không mong muốn như bụi trên cảm biến hoặc cành cây nhỏ, và quá trình chỉnh sửa này không làm thay đổi ý nghĩa bức ảnh. Điều này đồng nghĩa, bức ảnh sẽ không thêm, không di chuyển hay thay thế bất cứ thứ gì. Bạn có thể thoải mái loại bỏ các thành phần nhỏ trong ảnh như hạt bụi trên cảm biến, cành cây nhỏ hay búi rác trên bãi cỏ - chỉ dừng lại ở mức đó.
Cần phải xác định rõ ràng chỉnh sửa hình ảnh với đồ họa nghệ thuật. Trong khi chỉnh sửa ảnh nhằm mục đích cải thiện chất lượng và cảm xúc của hình ảnh đã chụp, thì đồ họa hình ảnh sẽ làm biến đổi hoàn toàn tác phẩm gốc để tạo ra thứ mới mẻ, khác biệt.
Hiện vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất nào về khái niệm chỉnh sửa hình ảnh. Mọi nhiếp ảnh gia nên tự thiết lập giới hạn riêng của mình và tinh chỉnh hình ảnh một cách hợp lý nhất. Nhưng thật sai lầm khi coi một “hình ảnh kỹ thuật số” là ảnh chụp nếu hình ảnh đó không được tạo ra thông qua quy trình chụp ảnh, mà là thông qua nghệ thuật kỹ thuật số, ghép ảnh hoặc thứ gì đó giống như AI. Sự nhất quán và minh bạch trong việc giới thiệu kết quả bức ảnh đã hoàn thiện là cần thiết trong việc tôn trọng nhiếp ảnh chân chính.
Xem thêm:
- Bộ Lọc Vật lý Vs Kỹ Thuật Số: Lựa Chọn Nào Cho Nhiếp Ảnh Gia?
- Ống Kính Parfocal Là Gì? Các Trường Hợp Sử Dụng Parfocal Lens
Tổng kết
Việc chọn lọc kỹ lưỡng và chỉnh sửa tinh tế những bức ảnh tốt nhất không chỉ giúp nâng cao chất lượng tác phẩm, mà còn là bước quan trọng để mỗi nhiếp ảnh gia phát triển tư duy thị giác và khả năng thể hiện rõ ràng hơn phong cách cá nhân. Khi bạn làm chủ được quy trình chọn ảnh và hậu kỳ, bạn không chỉ cải thiện sản phẩm cuối cùng, mà còn nâng cao khả năng nhìn nhận và đánh giá hình ảnh ngay từ khoảnh khắc bấm máy. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn những góc nhìn thực tế và hữu ích về vai trò của quá trình chọn lọc và xử lý hậu kỳ trong nhiếp ảnh. Đừng quên theo dõi VJShop để cập nhật thêm nhiều tin tức nhiếp ảnh thú vị nhé!