Skip to content

VJShop.vn

Những bức ảnh chụp cực quang là một trong những thao tác chụp ảnh phong cảnh ban đêm tuyệt đẹp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật ở nhiếp ảnh gia. Bức ảnh được chụp thành công khi thể hiện ánh sáng tự nhiên rực rỡ trên bầu trời được tạo bởi các hạt tích điện từ Mặt Trời gợn sóng trên từ trường của Trái đất.

Bộ sưu tập dưới đây đã tổng hợp 25 bức ảnh Cực quang đẹp nhất 2022. Những bức ảnh do các cơ quan vũ trụ quốc tế giới thiệu và được các tạp chí nhiếp ảnh xếp hạng cao nhất, cũng như chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

“Aurora & Lunar Eclipse at the South Pole” - Aman Chikshi

Nhiếp ảnh gia Aman Chikshi đã được vinh danh bởi Bức ảnh thiên văn trong ngày của NASA cho bức ảnh của ông được chụp ở Nam Cực. Những hình ảnh tổng hợp từ chế độ quay Timelapse đã ghi lại các pha một phần và toàn phần của hiện tượng nguyệt thực được ghi lại khi Mặt trăng di chuyển phía trên đường chân trời từ Trạm Amundsen-Scott ở Nam Cực. 

Bức ảnh “Aurora & Lunar Eclipse at the South Pole” của Aman Chikshi

Bức ảnh ghi lại một đêm ở Cực Nam lạnh giá và đầy sao với những dải màu rực rỡ của Cực quang và dải Ngân hà nằm ở trung tâm. Phía trước là kính viễn vọng BICEP và Phòng thí nghiệm Dark Sector của Trạm Cực Nam. 

“Double Arc” - Giulio Cobianchi

Đêm đó, nhiếp ảnh gia Giulio Cobianchi đã quyết định dành thời gian với một trong những khung cảnh đẹp nhất của Quần đảo Lofoten và mong muốn chụp ảnh "vòng cung đôi", để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Anh đã lên kế hoạch từ lâu và cuối cùng thời cơ cũng xuất hiện. 

Bức ảnh “Double Arc” của Giulio Cobianchi

“Trời vẫn chưa hoàn toàn tối nhưng tôi đã bắt đầu nhìn thấy dải ngân hà ẩn hiện trước mặt và tôi hy vọng rằng trong vài giờ tiếp theo Cực Quang cũng sẽ xuất hiện ở phía đối diện, tạo ra một vòng cung đôi hoàn hảo. Với bố cục như vậy, ánh sáng nhảy múa trên bầu trời sẽ không phá hỏng dải thiên hà của chúng ta. Và đúng như mong đợi, hai vòng cung tuyệt đẹp xuất hiện trên bầu trời. Không chỉ vậy, bạn còn có thể thấy Thiên hà Andromeda nằm giữa hai vòng cung, ngôi sao băng vụt qua trên đỉnh và ở ngay phía trên vòng cực quang rực rỡ là Bắc Đẩu - một trong những chòm sao đẹp nhất! Thậm chí, khi nhìn về phía bắc, bạn còn có thể quan sát thấy dải màu sáng rực của mặt trời vừa lặn xuống đường chân trời", Giulio Cobianchi chia sẻ.

“Aurora & Orion” - Roi Levi

Bức ảnh “Aurora & Orion” của Roi Levi

“Mặc dù thời tiết tháng 10 tại Iceland mưa và rất lạnh nhưng tôi không từ bỏ ý định chụp lại những bức ảnh cực quang của mình. Và bạn không tưởng tượng được sự phấn khích của tôi khi tôi vừa thực hiện được mong muốn ghi lại hình ảnh cực quang nhảy múa với những đám mây đang tan dần về phía Đông cùng chòm Orion chiếu sáng trên bầu trời. Một điều tưởng chừng như không thể lại có thể xảy ra theo một cách mà tôi không thể ngờ.”, trích lời Roi Levi.

“Panoramic Lights” - Victor Lima

Bức ảnh khắc họa lại một đêm hoàn hảo ở vùng núi Kirkjufell - một trong những điểm tham quan tự nhiên được nhiều du khách ghé thăm và chụp ảnh nhiều nhất tại Iceland. 

Victor Lima nói: “Đó là ngày thứ ba trong chuyến tham quan chụp ảnh Iceland của tôi và như thường lệ, chúng tôi đang khám phá bán đảo Snæfellsnes ở phía tây Iceland. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đến thăm các điểm tham quan chính vào ban ngày và cố gắng chụp ảnh Cực quang vào ban đêm ở khu vực núi Kirkjufell - một trong những ngọn núi được chụp ảnh nhiều nhất ở Iceland. 

Bức ảnh “Panoramic Lights” của Victor Lima

Thời tiết dường như không hỗ trợ kế hoạch này lắm vì trời khá nhiều mây suốt cả ngày. Để đảm bảo cho những dự định của mình, tôi đã kiểm tra các chỉ số thời tiết -  yếu tố quyết định sự xuất hiện của bắc cực quang. Các chỉ số này cũng cho thấy khả năng xuất hiện của cực quang từ trung bình đến mạnh trong đêm. Thật may mắn là những dự báo đã chính xác và tôi đã có cơ hội ghi lại những bức ảnh về cực quang tuyệt đẹp này.”

“Aurora Arch” - Benjamin Barakat

Nhiếp ảnh gia Benjamin Barakat đã trải qua “đêm hoành tráng” tại một địa điểm đẹp và mang tính biểu tượng của Iceland - Vestrahorn/Stokksnes. 

Bức ảnh “Aurora Arch” của Benjamin Barakat

“Chúng tôi đã được ưu ái với cơ hội chiêm ngưỡng vòng cung tuyệt đẹp trên bầu trời tạo nên một bố cục tuyệt vời để chụp bức ảnh single-row panorama ấn tượng”, Benjamin Barakat.

“Aurora Over Glacier Lagoon in Iceland” - Sean Parker

Đây là một bức ảnh yêu thích mà nhiếp ảnh gia Sean Parker đã chụp vào khoảng tháng 12 vừa qua tại hồ Glacier Lagoon nổi tiếng ở Iceland. 

Bức ảnh “Aurora Over Glacier Lagoon in Iceland” của Sean Parker

“Tôi đã ở đây cùng với nhóm hội thảo nhiếp ảnh của mình. Thật ngạc nhiên khi chúng tôi được chiêm ngưỡng những dải cực quang nhảy múa phía trên chúng tôi. Khi đi loanh quanh để tìm kiếm vị trí tác nghiệp lý tưởng, chúng tôi tình cờ thấy khối băng bị dạt vào bãi biển này. Ngay lập tức, tôi biết đây chính là điều mà mình đang tìm kiếm. Bức ảnh này là tấm cuối cùng của tôi chụp trong đêm khi cực quang đang dần trở nên mờ nhạt trên bầu trời.”, Sean Parker chia sẻ.

“Aurora Lighthouse” - MaryBeth Kiczenski

Đây là một hình ảnh được remastered từ ảnh chụp một trong những địa điểm yêu thích của MaryBeth Kiczenski. 

Bức ảnh “Aurora Lighthouse” của MaryBeth Kiczenski

MaryBeth Kiczenski tiết lộ: “Một trong những điều khiến tôi băn khoăn về bản gốc là ngọn hải đăng bị cong vênh do chụp góc rộng. Trong phiên bản này, tôi đã tận dụng  tính năng chỉnh méo ống kính có trong Photoshop. Thật tuyệt khi kết quả cuối cùng cũng đáp ứng mong đợi của tôi.”

“Red Aurora” - Ruslan Merzlyakov

Những cột cực quang màu đỏ rực cháy xuất hiện trên bầu trời Limfjord ở quê hương Đan Mạch của nhà nhiếp ảnh gia. Với những người đam mê bầu trời, cực quang, chắc hẳn niềm hạnh phúc sẽ không bao giờ mất đi khi được ngắm nhìn bầu trời rực sáng như thế này 1 lần trong đời.

Bức ảnh “Red Aurora” của Ruslan Merzlyakov

“Aurora SubStorm” - David Erichsen

Những màu sắc của cầu vồng thay phiên nhau “nhảy múa” trên dãy núi Delta ở Alaska. 

Bức ảnh “Aurora SubStorm” của David Erichsen

“Đây là một trong những khoảnh khắc ngoạn mục nhất mà tôi từng được chứng kiến trong đời. Mặc dù tôi đã đủ may mắn để nhìn thấy cực quang khoảng 30-40 lần, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến ​​được dải cực quang nào đa màu sắc đến vậy.”, nhiếp ảnh gia David Erichsen.

“City Lights” - Sean Parker

Nhiếp ảnh gia Sean Parker với bức ảnh “City Lights” là một trong 25 bức ảnh chụp Cực quang ấn tượng nhất trong năm 2022.

Bức ảnh “City Lights” của Sean Parker

“South Pole Station, Antarctica” - Aman Chokshi

Bức ảnh như đang tái hiện lại một thế giới xa lạ kỳ diệu. Những dải cực quang như cầu vồng xuất hiện ở đường chân trời, thậm chí bạn có thể quan sát thấy Dải Ngân hà nối liền với Kính viễn vọng Nam Cực. Tất cả tạo nên một khung cảnh huyền ảo đến mê người.

Bức ảnh “South Pole Station, Antarctica” của Aman Chokshi

“The Peak Of Lights” - Shadow Kuo

“Đây là chuyến thăm thứ hai của tôi đến đỉnh Segla hùng vĩ - địa điểm tráng lệ, nhô cao như vây cá mập từ vịnh hẹp của đảo Senja (Na Uy). Tôi chỉ có thể cắm trại ở đây trong một đêm và dự báo cực quang không tốt, nhưng tôi đã bị choáng ngợp bởi những vòng cực quang lượn vòng trên bầu trời như món quà tuyệt vời của ông trời. Và tôi còn hạnh phúc hơn nữa vì đó là ngày sinh nhật của tôi.

Bức ảnh “The Peak Of Lights” của Shadow Kuo

Bức ảnh với bố cục này hướng về phía nam, tôi đã sử dụng 4 khung hình để hợp nhất để hoàn thành tác phẩm này. Trong đó, 3 khung hình được chụp vào giờ xanh lam (blue hour) để tạo tiền cảnh có độ chi tiết cao với những tiêu điểm xếp chồng lên nhau kết hợp với một khung hình chụp cực quang ban đêm, bạn cũng có thể quan sát thấy mặt trăng ở góc trên bên phải bức ảnh.”, Shadow Kuo chia sẻ.

“Rainbow Auroras Above the South Pole” - Aman Chokshi

Nhiếp ảnh gia Aman Chokshi hào hứng tiết lộ: “Chúng tôi đã từng thử nghiệm chụp ảnh vài lần ở Kính viễn vọng Nam Cực lúc 3 giờ sáng khi cực quang thắp sáng bầu trời. 

“Rainbow Auroras Above the South Pole” của Aman Chokshi

Tôi đã sử dụng một ngọn đuốc để chiếu sáng và cố gắng chụp một bức ảnh timelapse nhưng không mang theo hộp máy ảnh cách nhiệt của mình. Với điều kiện gió lạnh gần -80℃, chiếc máy ảnh đáng thương của tôi “gục ngã” trước khi tôi chụp được 50 tấm ảnh. Tuy nhiên, một đêm ấy vẫn là một kỉ niệm ngoạn mục mà tôi từng trải nghiệm.”

“Aurora and Bioluminescent Algae in Denmark” - Ruslan Merzlyakov

Bức ảnh được chụp tại Nykøbing Mors, Đan Mạch, vào một đêm trời quang đãng với những dải màu phát sáng nhảy múa ở đường chân trời và phản chiếu ánh sáng lên mặt nước. 

“Aurora and Bioluminescent Algae in Denmark” của Ruslan Merzlyakov

“Aurora Australis Little Planet” - Aman Chikshi

Chúng ta đang nhìn thấy ánh bình minh đầu tiên chiếu xuống Nam Cực sau gần 6 tháng chìm trong bóng tối. Đây là một bức ảnh toàn cảnh 360 độ hình cầu bên ngoài Trạm Nam Cực Amundsen, phía dưới là điểm đánh dấu cột nghi lễ được bao quanh bởi 12 lá cờ của các quốc gia đã ký kết ban đầu của hiệp ước Nam Cực, bên trên là những dải cực quang nhảy múa. 

Bức ảnh “Aurora Australis Little Planet” của Aman Chikshi

“Inflight Entertainment” - Ralf Rohner

Bức ảnh được ghi lại trong chuyến bay trở về sau kỳ nghỉ của tác giả Ralf Rohner. 

“Góc nhìn của bức ảnh từ ghế hành khách có vẻ hơi bất thường (hoặc chỉ tôi thấy vậy) đã tạo cơ hội để chụp lại khung cảnh tuyệt đẹp của dải cực quang nhảy múa trên cánh máy bay. Quá trình tác nghiệp giống như một thú vui giải khuây của tôi trong suốt chuyến bay dài.

Bức ảnh “Inflight Entertainment” của Ralf Rohner

Tuy nhiên, trải nghiệm chụp này cũng mang lại nhiều thách thức cho tôi khi vừa phải cầm máy ảnh, vừa dùng chăn để tránh hiện tượng phản chiếu. Kết quả đã chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có thể chụp được những bức ảnh “chúc ngủ ngon” ngay trên ghế hành khách mà không cần thiết bị phức tạp", Ralf Rohner chia sẻ.

“Aurora Cave” - Stefano Pellegrini

Để săn Cực quang nhiếp ảnh gia Stefano Pellegrini đã phải sống trong ô tô để thực hiện hành trình của mình trong nhiều ngày. Thật may mắn vì kế hoạch đã thành công, tác giả đã kết hợp 5 ảnh chụp ngang tạo thành bức ảnh toàn cảnh ấn tượng. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những dải cực quang rực rỡ và đầy màu sắc nhảy múa trên đầu mình như vậy” - Stefano Pellegrini chia sẻ.

Bức ảnh “Aurora Cave” của Stefano Pellegrini

“Under Northern Lights” - Stepffan Liberman

Bức ảnh toàn cảnh này khắc họa dải cực quang được phản chiếu trong nước và ở bên trái bạn cũng có thể phát hiện ra một nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp. 

Bức ảnh “Under Northern Lights” của Stepffan Liberman

“Aurora Cave” - David Erichsen

Ảnh chụp cực quang nhảy múa bên ngoài một hang động băng. Đây là thành quả sau một hành trình dài với 12 giờ bay, 3 giờ lái xe và đi bộ 2 dặm (~3.2km).

Bức ảnh “Aurora Cave” của David Erichsen

“Frozen Lights” - Mordi Shamir

Đây là bức ảnh được chụp hoàn toàn ngẫu nhiên mà không hề có sự chuẩn bị trước nào. 

Bức ảnh “Frozen Lights” của Mordi Shamir

“Tôi đang ở trong phòng khách sạn của mình vào cuối ngày sau một chuyến làm hướng dẫn du lịch cho một vài người bạn. Tôi nhìn ra ban công và thấy những dải ánh sáng đã bắt đầu nhảy múa ngoài trời từ lúc nào. Vì vậy tôi chạy ra ngoài với máy ảnh và những thiết bị của mình, thiết lập bố cục ảnh hướng về ngọn núi Kirkjufell hùng vĩ với cực quang nhảy múa bên trên!”

“Reflection of Lights” - Itai Monnickendam

Ngắm nhìn những dải ánh sáng ở cực Bắc nhảy múa sẽ là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Tuy nhiên trong nhiếp ảnh, trải nghiệm này sẽ hơi khác một chút. Bạn cần cân đối các yếu tố về ánh sáng hợp lý nhất có thể, tạo nên một bố cục giúp nhiếp ảnh gia kể lại câu chuyện về địa điểm, thời gian và trải nghiệm. 

Bức ảnh “Reflection of Lights” của Itai Monnickendam

Bức ảnh “Reflection of Lights” hội tụ tất cả mọi yếu tố trong đêm trăng sáng cùng màn trình diễn tuyệt vời trên bầu trời. Chính địa điểm thực hiện tác phẩm cũng góp phần làm nên sự độc đáo cho “Reflection of Lights”.

“Aurora in Godafoss” - Miki Spitzer

Miki Spitzer là một nhiếp ảnh gia chụp phong cảnh và thiên nhiên, anh đã chụp rất nhiều ảnh ở Iceland, Na Uy, Scandinavia và rất nhiều ảnh chụp Cực quang. 

Giống như tất cả các bức ảnh phong cảnh khác, điều quan trọng nhất cần cân nhắc khi chụp Cực quang là bố cục. Người nhiếp ảnh cần tìm cho mình một tiền cảnh và bố cục hài hòa tạo ra một không gian để người nhìn hướng tầm mắt lên trời - nơi có những dải ánh sáng đang nhảy múa. Chụp ảnh chủ đề này không hề dễ, đòi hỏi người chụp phải có nhiều kỹ thuật và ý chí kiên định, không từ bỏ. 

Bức ảnh “Aurora in Godafoss” của Miki Spitzer

Các thao tác cài đặt phơi sáng và tiêu cự của máy ảnh cho phù hợp tiền cảnh và chủ thể là những dải sáng trên bầu trời đều phải thực hiện trong bóng tối, dưới thời tiết lạnh giá. 

Bức ảnh “Aurora in Godafoss” được thực hiện tại  thác nước yêu thích của Miki Spitzer ở Godafos (Iceland). Mặc dù có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực của nhà nhiếp ảnh gia cũng được đền đáp xứng đáng.

“Arctic Heng” - Anna Ross

Bức ảnh chụp trên con đường đến làng Raufarhöfn - một trong những khu định cư xa xôi nhất ở phía bắc Iceland, dài và vô tận. Nhiếp ảnh gia Anna Ross phải trải qua một hành trình rất dài để có được thành quả này. 

Bức ảnh “Arctic Heng” của Anna Ross

“Arctic Heng” ghi lại khoảnh khắc ấn tượng khi bắc cực quang vẽ lên nền bầu trời Iceland một màn trình diễn ánh sáng đầy màu sắc ngoạn mục. 

“Catching the Night Lights” - Ruslan Merzlyakov

“Catching the Night Lights” lưu giữ kỉ niệm về chuyến phiêu lưu khó quên của Ruslan Merzlyakov khi đi qua Greenland. Đây chính là bức ảnh chụp cực quang từ trạm nghiên cứu bị bỏ hoang ở Kangerlussuaq chính là tác phẩm mà tác giả tâm đắc nhất.

Bức ảnh “Catching the Night Lights” của Ruslan Merzlyakov

“Aurora & Orion” - Roi Levi

Roi Levi bắt đầu chụp ảnh thiên văn về các vật thể trong không gian, nhưng sau đó mục tiêu của ảnh dần chuyển thành chụp cực quang và các đám mây Orion Red. 

Bức ảnh “Aurora & Orion” của Roi Levi

Đây là một nhiệm vụ khó khăn yêu cầu các điều kiện kết hợp: một đêm không trăng, có cực quang và bầu trời quang đãng. Roi Levi đến Iceland với mong muốn thực hiện mục tiêu của mình và thật may mắn vì anh đã đạt được mục đích của mình.

Một số tips chụp Cực quang ấn tượng

Bạn có muốn tự tay mình thực hiện những bức ảnh chụp chủ đề Cực quang ấn tượng như những tác phẩm trên không? Dưới đây là một số tips hướng dẫn và gợi ý lập kế hoạch từ nhiếp ảnh gia Roi Levi và các nhiếp ảnh gia hàng đầu khác trong lĩnh vực này mà bạn có thể tham khảo: 

  • Tìm kiếm địa điểm tác nghiệp: Trước tiên hãy dành thời gian lên kế hoạch để tạo dựng bố cục để xác định tiền cảnh và vị trí chụp hoàn hảo vào ban ngay. Sau đó. bạn hãy quay lại để chờ cực quang xuất hiện vào ban đêm. 
  • Kỹ thuật chụp ảnh toàn cảnh: Để chụp được toàn bộ dải Cực quang, bạn cần chụp một bức ảnh toàn cảnh với độ chồng lên khung hình tiếp theo khoảng 40%. 
  • Chiếu sáng nền trước: Bằng cách sử dụng ánh sáng ở mức thấp, bạn có thể làm nổi bật các chi tiết của phong cảnh ở nền trước của bức ảnh.
  • Dark Skies: Tìm kiếm Dark Skies với tỷ lệ Bortle thấp. Khi bạn chụp ảnh trong bầu trời tối nhất, màu sắc thực tế được chụp sẽ nổi bật và sặc sỡ hơn. 
  • Kiểm tra thang đo cực quang KP bằng ứng dụng: Ứng dụng dự đoán xác suất cực quang bằng cách đo bằng chỉ số KP từ 0 đến 9. Thang đo KP càng cao, ánh sáng của cực quang sẽ càng mạnh ở vị trí của bạn. 
  • Trời quang mây: Cực quang phải diễn ra trên bầu trời quang đãng. Bạn có thể sử dụng ứng dụng “Clear Outside” để dự đoán độ che phủ của mây và tìm kiếm vị trí không có mây để có được hình ảnh bầu trời đêm tốt nhất.

>>> Xem thêm: