
Mỗi tác phẩm nghệ thuật thành công đều mang trong mình một câu chuyện riêng, truyền tải một thông điệp, ý nghĩa cụ thể. Nhiếp ảnh cũng vậy, một bức ảnh ấn tượng, gây được sự chú ý lớn không chỉ phụ thuộc vào chủ đề bạn khai thác mà đặc biệt nó còn phải tạo được cảm xúc cho người xem. Ánh sáng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên cảm xúc của một bức ảnh. Nếu làm chủ được ánh sáng, bạn sẽ làm chủ được nhiếp ảnh.
Ánh sáng tối
Một trong những loại ánh sáng chứa nhiều cảm xúc nhất là ánh sáng tối, cường độ cao. Ánh sáng này được sử dụng hiệu quả cho tất cả các thể loại nhiếp ảnh từ ảnh chân dung nhiều tâm trạng, phong cảnh hùng vĩ đến những tác phẩm tài liệu u buồn.
Đơn giản, ánh sáng tối giúp giấu đi phần nào thông tin của bức ảnh, khiến bức ảnh trở nên bí ẩn và thu hút hơn. Có thể thấy, nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh sản phẩm với ánh sáng tối cho các quảng cáo cao cấp. Bởi loại ánh sáng này có khả năng truyền tải cảm xúc tốt, đặc biệt với những đối tượng trưởng thành, sâu sắc. Cảm xúc mà ánh sáng tối mang lại có thể là: sự quyền lực, một điềm báo xấu hay sự mãnh liệt, dữ dội hoặc đơn giản là đem đến một không gian ảm đạm.
Ánh sáng rực rỡ
Trái ngược hoàn toàn với loại ánh sáng tối ở trên, ánh sáng rực rỡ sẽ mang những cảm xúc đặc biệt riêng. Nó có thể giúp bạn tạo nên một bức ảnh tinh tế, nhẹ nhàng. Đặc biệt, nếu bạn muốn chụp một bức ảnh vui vẻ và lạc quan, chắc chắn ánh sáng rực rỡ sẽ giúp bạn thể hiện tốt điều này.
Những loại cảm xúc mà ánh sáng rực rỡ có thể đem lại cho bức ảnh của bạn là sự lạc quan, tươi sáng, sự thoáng đãng, dịu dàng và thuần khiết.
Độ tương phản cao
Có rất nhiều bức ảnh đẹp sử dụng độ tương phản cao nhờ việc đặt các vùng cực sáng và tối của hình ảnh ngay cạnh nhau. Chẳng hạn như hình ảnh những ngọn núi nhấp nhô trùng điệp dưới sự chiếu sáng của bầu trời tạo nên những vùng sáng tối đan xen lẫn nhau.
Rất nhiều người nghĩ rằng độ tương phản là sự khác biệt giữa phần sáng nhất và phần tối nhất của hình ảnh mặc dù điều này chỉ đúng ở mức độ nào đó. Ví dụ như hiệu ứng Gradient dưới đây chứa cả trắng và đen nhưng độ tương phản của bức hình này khá thấp. Thay vào đó, sự tương phản xảy ra khi các yếu tố sáng và tối nằm cạnh nhau (hoặc các màu sắc đối lập nằm cạnh nhau).
Những bức ảnh có độ tương phản cao sẽ thu hút nhiều sự chú ý bởi về mặt cảm xúc chúng gây ấn tượng và nổi bật giữa đám đông. Không phải tất cả những bức ảnh tương phản đều tạo sự thu hút tới người xem. Nó còn phụ thuộc vào hình ảnh cũng như nội dung truyền tải mà bạn đem tới. Tuy nhiên, đó lại là một cách phổ biến để bức ảnh của bạn dễ dàng gây được sự chú ý.
Người chụp có thể tìm thấy độ tương phản bằng cách tìm kiếm ánh sáng không khuếch tán. Ví dụ như một buổi chiều đầy nắng hoặc đèn flash của máy ảnh không được điều chỉnh, bạn sẽ có ngay một bức ảnh có độ tương phản cao. Và với những bức ảnh có sự tương phản mạnh mẽ này, nó sẽ tạo nên các kiểu cảm xúc như: kịch tính, ầm ĩ, sôi động, mạnh mẽ hay sự đột ngột, bất ngờ.
Độ tương phản thấp
Không chỉ những bức ảnh có độ tương phản cao mới tạo ra được những tác phẩm ấn tượng, mà hình ảnh có độ tương phản thấp cũng mang lại những giá trị vô cùng lớn. Những bức ảnh có độ tương phản thấp có thể được tạo ra từ nguồn ánh sáng bị khuếch tán. Loại ánh sáng này phù hợp để chụp các đối tượng đồng đều với nhau, ví dụ như ảnh chụp cánh đồng lupin dưới đây.
Tuy những bức ảnh có độ tương phản thấp sẽ không nổi bật nhiều ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng khi quan sát một cách tinh tế hơn, chúng sẽ tạo nhiều cảm xúc hơn cho người xem. Và lời khuyên nếu bạn muốn chụp một bức ảnh phong cảnh yên tĩnh hay ảnh chân dung với tâm trạng nhẹ nhàng thì hãy tìm kiếm nguồn ánh sáng có độ tương phản thấp. Bạn cũng có thể tạo thứ ánh sáng này bằng cách thêm bộ khuếch tán vào đèn Flash hoặc di chuyển chủ thể vào bóng râm.
Những cảm xúc mà hình ảnh có độ tương phản thấp mang lại là: dịu lại, nhẹ nhàng, mềm mại, yên tĩnh.
Hướng ánh sáng
Không chỉ độ sáng hay độ tương phản mới tác động mạnh đến cảm xúc của một bức ảnh, hướng của ánh sáng cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của hướng ánh sáng đến cảm xúc khó có thể khái quát được bởi nó không có sự nhất quán. Người chụp có thể biểu đạt được nhiều cảm xúc khác nhau từ cùng một hướng ánh sáng duy nhất. Đồng thời, trong mỗi một tình huống khác nhau, cảm xúc của đối tượng truyền tải khác nhau, màu sắc hậu cảnh khác nhau nên sẽ tạo ra những cảm xúc không giống nhau dù sử dụng cùng một hướng ánh sáng giống nhau.
Vì vậy, trong trường hợp này, hãy nhìn vào cảnh, phân tích hướng ánh sáng và xác định hướng ánh sáng tốt nhất để làm nổi bật những yếu tố bạn muốn trong bức ảnh.
Có thể thấy, các góc độ khác nhau của ánh sáng như độ sáng, độ tương phản, hướng chiếu sáng… đều mang những cảm xúc riêng cho bức ảnh. Biết cách áp dụng chúng vào một tình huống cụ thể với những ý đồ riêng chắc chắn sẽ giúp bạn tạo nên những bức ảnh ấn tượng nhất. Vì vậy hãy thử chụp ảnh với tất cả các loại ánh sáng khác nhau để tạo cảm xúc tốt nhất cho bức ảnh của mình nhé.