Skip to content

VJShop.vn

Đối với ảnh chụp chân dung trong studio, ánh sáng là một tiền đề quan trọng để các nhiếp ảnh gia lột tả tâm trạng của nhân vật. Vậy làm thể nào để bắt lấy phần hồn của bức ảnh? 8 cách setup ánh sáng trong studio dưới đây sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng nhiếp ảnh của mình nhé.

Paramount Lighting

Paramount Lighting hay còn gọi là Butterfly Lighting. Đây là kiểu đánh sáng cơ bản trong đó một nguồn sáng chính được đặt ở phía góc trên đối tượng. Cách đánh sáng này sẽ tạo ra bóng hình con bướm xuất hiện ở dưới mũi của đối tượng được chụp. Bạn cũng sẽ thấy ngoài phần mũi ra, Paramount Lighting còn nhấn mạnh vào gò má, làm cho đường nét trên khuôn mặt được sắc nét và nổi bật hơn. 

Setup ánh sáng studio - Paramount Lighting là kiểu đánh sáng cơ bản

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bóng đổ từ hiệu ứng Paramount Lighting quá gắt, bạn có thể dùng tấm hắt sáng và đặt nó phía dưới cằm của mẫu để thu được bóng mờ nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy chủ thể của mình không có đủ khoảng cách với hậu cảnh, hãy đặt thêm hai đèn studio ở phía sau hướng vào tường hoặc đánh chéo tới đối tượng để tạo ra hiệu ứng khoảng cách giữa mẫu với background. 

Setup ánh sáng studio - Paramount Lighting làm cho đường nét trên khuôn mặt được sắc nét và nổi bật hơn

Loop Lighting

Loop Lighting là một cách setup ánh sáng chính (key light) đặc trưng khi chụp ảnh chân dung trong studio. Với cách thiết lập này, ánh sáng được đặt cao hơn tầm mắt của đối tượng một chút và lệch trục 45 độ. Kiểu đánh light này hướng ánh sáng hơi nghiêng sang một bên nhưng vẫn đảm bảo chiếu lên khuôn mặt của đối tượng. Điều này tạo ra bóng đen xuất hiện gần mũi vòng xuống một góc trên gò má của chủ thể tạo độ nét và sự thú vị cho bức ảnh.

Setup ánh sáng studio - Loop Lighting

Kích thước và cường độ của bóng đen có thể thay đổi từ nhỏ đến lớn nhưng rõ ràng và mềm mại hơn, kéo dài xuống phần miệng. Nếu bạn thích bóng mềm hơn, hãy thêm một tấm phản xạ vào hoặc đèn thứ hai phía đối diện của mẫu để tạo ánh sáng bổ sung. Khi đó, đối tượng càng gần nguồn sáng phụ thì bóng càng mềm hơn.

Rembrandt Lighting

Rembrandt Lighting được sử dụng phổ biến ở thể loại chụp ảnh chân dung trong studio hoặc khi quay phim. Kiểu đánh sáng này có thể được ứng dụng bằng cách sử dụng một đèn và tấm hắt sáng hoặc hai đèn khác nhau. 

Rembrandt Lighting được sử dụng phổ biến ở thể loại chụp ảnh chân dung t

Ánh sáng được đánh theo kiểu Rembrandt Lighting dễ dàng tạo độ kịch tính cho bức ảnh. Nó là một trong những dạng sắp đặt theo kỹ thuật nhập tâm cho thấy rõ sự tương phản giữa các phần sáng và tối trên đối tượng của hình ảnh. Khi sử dụng thiết lập này, ánh sáng sẽ tạo ra một vùng sáng nhỏ có hình tam giác trên gò má. Đây chính là điểm nhấn trong bố cục nhằm thu hút sự chú ý của người xem. Điểm đặc biệt lưu ý là cần đảm bảo phần mắt bên phía vùng tối của khuôn mặt luôn bắt được ánh sáng, nếu không mắt của chủ thể sẽ trông không có hồn.

Setup ánh sáng studio - Rembrandt Lighting tạo độ kịch tính cho bức ảnh

Split Lighting

Đây là một trong những cách thiết lập ánh sáng độc đáo khi tách khuôn mặt đối tượng ra làm hai phần khác nhau. Nguồn sáng chính (key light) sẽ chiếu phía bên cạnh mẫu để đánh sáng lên một nửa khuôn mặt trong khi nửa còn lại sẽ không được chiếu sáng.

Setup ánh sáng studio - Split Lighting tách chủ thể làm hai phần khác nhau

Theo đó, ánh sáng khi phân tách sẽ thường được sử dụng để làm tăng độ ấn tượng trong ảnh chụp chân dung nhằm mang lại cảm giác bí ẩn và nghệ thuật hơn. 

Setup ánh sáng studio - Split Lighting tạo hiệu ứng bí ẩn, nghệ thuật

Side Lighting

Side Lighting hay còn gọi là Profile Lighting. Đây có thể không phải là một setup ánh sáng phổ biến. Tuy nhiên, thiết lập này cho phép nhấn mạnh đến mặt nghiêng của mẫu thay vì chụp thẳng chính diện. Nó cho thấy đường nét góc mặt rõ ràng từ mũi, cằm, hàm, miệng, tai.  

Thiết lập ánh sáng studio - Side Lighting nhấn mạnh đến mặt nghiêng của mẫu

Theo đó, Side Lighting có thể được sắp đặt dễ dàng với cách chiếu đèn ở một góc 45 độ so với mẫu. Đồng thời ống kính máy ảnh lúc này sẽ ở vị trí cạnh bên 90 độ so với khuôn mặt chính diện của đối tượng chụp ảnh. 

Thiết lập ánh sáng studio - Side Lighting có thể được sắp đặt dễ dàng

Broad Lighting

Với Broad Lighting, ảnh chụp sẽ có xu hướng mang lại cảm giác tươi sáng hơn. Một điểm cần lưu ý là cách thiết lập này sử dụng lượng ánh sáng trải rộng, vì vậy nó sẽ khiến khuôn mặt của người mẫu trông lớn hơn. Nếu chủ thể bạn chụp có một khuôn mặt gầy thì đây là một lựa chọn sáng suốt. Theo đó, để sắp đặt Broad Lighting, bạn hãy đặt đèn cách chủ thể khoảng 45 độ để đảm bảo khuôn mặt đối tượng không bị chiếu sáng quá mức. Sau đó hướng ống kính chụp ở gần vị trí đèn chiếu sáng để bắt góc mặt của đối tượng đúng cách.

Ngoài ra, ánh sáng phẳng sẽ giúp làm mờ các nếp nhăn và che đi các khuyết điểm trên da chẳng hạn như sẹo hoặc các khuyết điểm khác ở vùng tối trên khuôn mặt. Vì lý do này, Broad Lighting thường được sử dụng với người mẫu nữ.

Ánh sáng studio - Broad Lighting mang lại cảm giác tươi sáng

Short Lighting

Ngược lại với Broad Lighting, Short Lighting có xu hướng đánh tối một phần góc mặt của chủ thể. Theo đó, phần tối của khuôn mặt người mẫu chiếm ưu thế hơn trong ảnh tạo nên bức chân dung thể hiện đúng tâm trạng của đối tượng. Tuy nhiên, Short Lighting cũng khiến khuyết điểm trên da, các nếp nhăn trên khuôn mặt cũng lộ rõ hơn. Vì thế kỹ thuật đánh sáng này phù hợp khi chụp người mẫu nam hơn.

Ánh sáng studio - Short Lighting thể hiện tâm trạng chủ thể

Fill Lighting

Fill Lighting là kỹ thuật sử dụng nguồn sáng thứ hai chiếu phía đối diện đèn chính, có tác dụng cản bóng và cân bằng độ phơi sáng cho bức ảnh. Trong một vài trường hợp, chúng ta sử dụng nguồn sáng phụ để loại bỏ các chi tiết tối trên khuôn mặt của đối tượng.

Để sử dụng nguồn sáng phụ hiệu quả, bạn cần hiểu những điều cơ bản về tỷ lệ chiếu sáng. Tỷ lệ giữa hai đèn càng lớn thì độ tương phản giữa hai vùng sáng và tối càng rõ rệt, ảnh càng có chiều sâu. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một tấm hắt sáng thay cho đèn phụ để làm mềm phần tối trên mặt mẫu.

Ánh sáng studio - Fill Lighting là kỹ thuật sử dụng nguồn sáng phụ tạo độ cân bằng phơi sáng

Như vậy, đối với nhiếp ảnh chân dung, việc thiết lập đèn là một trong những kỹ năng rất quan trọng để làm nổi bật chủ thể, qua đó biểu lộ tâm trạng của nhân vật. Hy vọng với 8 kỹ thuật đánh sáng trên đây sẽ giúp bạn nâng cao khả năng chụp ảnh chân dung của mình nhé.