Skip to content

VJShop.vn

Bố cục đường dẫn là một trong những kỹ thuật hiệu quả để đạt được độ cân đối và mới lạ trong nhiếp ảnh. Vậy bố cục đường dẫn là gì và làm thế nào để cải thiện bố cục đường dẫn, hướng mắt người xem vào điểm cụ thể. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé. 

Bố cục đường dẫn là gì?

Bạn có thể tự hỏi tại sao bố cục đường dẫn lại quan trọng. Đây là công cụ cho phép bạn có thể lựa chọn điểm mà bạn muốn người xem hướng tới trong khung hình. Nó có thể là một người hoặc một điểm tụ nơi hậu cảnh của bức ảnh. 

Bố cục đường dẫn thể hiện các đường liền trong ảnh dẫn đến một thứ gì đó. Một số đường dẫn hiển nhiên có thể là các đường thẳng đứng, đường song song, đường cong, đường chéo và thậm chí là đường ngang mạnh mẽ. Đường dẫn giúp mắt người xem di chuyển từ phần này sang phần khác của hình ảnh một cách liền mạch. Nó sẽ tạo ra các chuyển động trong ảnh và làm cho nó thú vị hơn giúp thu hút người xem để ý tới hình ảnh của bạn. 

Bố cục đường dẫn thể hiện các đường liền trong ảnh

Tại sao bố cục đường dẫn lại quan trọng?

Các nhiếp ảnh gia thường áp dụng kỹ thuật này như một cách để tập trung ánh mắt của người xem vào chủ thể của bức ảnh. Chẳng hạn nếu bạn có một bức ảnh với nhiều chi tiết, một đường dẫn thích hợp sẽ đưa mắt của người xem đến với tiêu điểm chính. Các đường này cũng tạo ra chiều sâu giúp tách biệt tiền cảnh ra khỏi hậu cảnh. Ngoài ra, các đường đối xứng cũng dẫn đến một bố cục cân bằng và làm cho hình ảnh đẹp hơn. 

Tại sao bố cục đường dẫn quan trọng

Các loại bố cục đường dẫn và cách chụp

Trong bố cục đường dẫn có rất nhiều loại khác nhau bao gồm các đường thẳng đứng, đường song song, đường cong, đường chéo và đường ngang mạnh mẽ. Chúng hữu ích trong các thể loại chụp phong cảnh, kiến trúc hoặc bạn cũng có thể tận dụng chúng để chụp ảnh chân dung đường phố. Những đối tượng ảnh có sử dụng đường dẫn được hướng dến thường là đường ray, đường bộ, tòa nhà, cầu vượt hoặc thành phố. Ngay cả những hàng cây hay cột đèn cũng giúp thể hiện thành những đường dẫn đặc sắc. Các loại bố cục đường dẫn cơ bản bao gồm: 

Bố cục đường dẫn ngang

Đường dẫn ngang được tìm thấy trong nhiếp ảnh thiên nhiên và phong cảnh. Nó thường là các đường dẫn kéo dài trên toàn bộ chiều rộng của hình ảnh. Những đường dẫn ngang thường sẽ mang lại cho người xem cảm giác bình yên, sự ổn định và sự cân bằng tĩnh lặng, giúp làm giảm căng thẳng. 

Ngoài ra, những đường dẫn ngang cũng truyền tải những đặc điểm của môi trường hoặc chủ đề. Ví dụ, trong các bức ảnh kiến trúc, loại đường dẫn này có thể giúp nhấn mạnh sẽ vững chắc của cấu trúc. 

Có thể nói, các đường dẫn ngang rất quang trọng trong nhiếp ảnh, giúp các nhiếp ảnh gia tạo ra được những bức ảnh có tác động trực quan và mang lại cảm xúc cho người xem. Các nhiếp ảnh gia có thể sử dụng ống kính góc rộng để chụp loại đường dẫn này. 

Đường dẫn ngang được tìm thấy trong nhiếp ảnh thiên nhiên và phong cảnh

Cách chụp bố cục đường dẫn ngang:

Để chụp bức hình với đường dẫn ngang đẹp, bạn cần nắm được chắc các quy tắc bố cục, kiểm soát được ánh sáng và chất lượng. Ví dụ, chụp bức hình với đường dẫn ngang là đường chân trời, bạn hãy để đường dẫn này năm ở vị trí đường lưới thứ 3 phía trên để có được những khung hình bắt mắt.

Bố cục đường dẫn dọc

Đường dẫn dọc là những đường chạy lên xuống trong khung hình, vuông góc với đường chân trời. Những đường này có thể thẳng hoặc hơi cong, có ảnh hưởng đến cấu trúc và cảm xúc khung hình. Chúng thường mang lại cảm giác mạnh sẽ, dự ổn định và chiều cao cho khung hình, thường được sử dụng để nhấn mạnh tính chất hùng vĩ của đối tượng trong khung hình.

Thông thường, loại đường dẫn này được sử dụng trong các bức ảnh thời trang và nhiếp ảnh đường phố, chụp những công trình kiến trúc chọc trời, cây cao chót vót,... Chúng hướng mắt người nhìn lên hoặc nhìn xuống và có thể sử dụng để truyền đạt trạng thái trong bức ảnh của bạn. Việc sử dụng đường dẫn này trong nhiếp ảnh sẽ giúp các nhiếp ảnh gia tạo ra được những bức ảnh hài hòa, đối xứng, mang lại cảm giác trật tự. 

Đường dẫn dọc

Cách chụp bố cục đường dẫn dọc:

Bạn có thể ứng dụng đường dẫn dọc trong việc chụp khu rừng với cây cối thẳng đứng, tạo ra cảm giác hùng vĩ cho khung cảnh. Lưu ý, bạn cũng có thể linh hoạt trong việc sử dụng đường dẫn dọc thành đường chéo, tránh chụp ảnh rập khuôn, khiến khung hình trở nên nhàm chán.

Bố cục đường chéo

Những đường dẫn chéo này thường cắt ngang khung hình theo một góc, tạo ra một chuyển động và phương hướng. Chúng được sử dụng để tạo cảm giác chuyển động và thay đổi, hướng người xem từ yếu tố  này đến yếu tố khác. Nó có tác dụng nhấn mạnh cảm giác về khoảng cách và thường được theo dõi từ tiền cảnh đến hậu cảnh. 

So với các đường dẫn ngang và dọc, đường dẫn chéo là một sự thay thế khá thú vị để tạo ra được những bố cục chuyển động tinh tế. Thay vì cảm giác cứng nhắc như 2 loại dẫn trên, bố cục đường chéo mang lại cảm giác tự nhiên và nhẹ nhàng hơn.

Đường dẫn chéo

Cách chụp bố cục đường dẫn chéo:

Trong nhiếp ảnh, bố cục đường dẫn chéo là một trong những bố cục chụp ảnh phong cảnh đẹp, được sử dụng rất phổ biến. Bạn có thể ứng dụng đường dẫn này để chụp;

  • Những sườn đồi, núi chạy,...tạo ra những bức hình có chiều sâu và hũng vĩ.
  • Những con đường quanh co, dòng sông uốn lượn cắt ngang khung hình để tạo ra đường dẫn thu hút người nhìn theo bố cục.
  • Cành cây, khúc gỗ,...để tạo ra những đường chéo thu hút người nhìn đến các yếu tốt chính.

Tuy nhiên, cần đảm bảo sử dụng đường chéo hiệu quả bằng cách dẫn người xem đến yếu tố chính thay vì để đường chéo vào trong khoảng không một cách nhàm chán. Như vậy, bức ảnh mới đạt được tỷ lệ bố cục và chiều sâu nhất định, thu hút người nhìn.

Bố cục đường dẫn hội tụ

Đường dẫn hội tụ có khá hiệu quả trong việc thu hút mắt đến điểm hội tụ và có thể là một bố cục mạnh mẽ nào đó có trong bức hình của bạn. Những đường này thường trải dài trên khung hình và hội tụ khi chúng lùi dần về phía xa. Bên cạnh đó, cũng có những đường hội tụ vô cực, không hiển trong khung hình. Thay vào đó, đường dẫn này kích thích trí tưởng tượng của người xem hình dung sự tiếp nối của các đường dẫn này dẫn về phía cuối bức hình.

Đường dẫn hội tụ

Để có tác động mạnh nhất, lý tưởng nhất là các đường hội tụ phải hướng về phía chủ thể chính hoặc tạo khung cho chủ thể chính. Điều này sẽ giúp hướng sự chú ý của người xem đến chính xác đối tượng mà bạn muốn tăng cường sự hiện diện trong chủ bố cục.

Ngược lại, nếu điểm hội tụ quá xa hoặc bị ngắt kết nối với chủ thể chính, các đường nét có nguy cơ trở thành yếu tố cạnh tranh thu hút thị giác, kéo mắt người xem ra khỏi tiêu điểm trung tâm. Điều này có thể gây mất tập trung hơn là cải thiện bố cục.

Các đường hội tụ khá hiệu quả trong việc thu hút mắt đến điểm hội tụ

Cách chụp bố cục đường dẫn hội tụ:

Đường hội tụ rất thích hợp để bạn chụp những bức ảnh phong cảnh, đặc biệt là khi sử dụng ống kính gốc rộng để chụp. Một số ý tưởng chụp ảnh với đường dẫn hội tụ như:

  • Chụp hàng động với các đỉnh núi là đường dẫn hội tụ.
  • Chụp đường thẳng, con đường mòn hội tụ tại một điểm (có thể là nhà, cái cây,...).
  • Chụp bờ biển hội tụ tạo một góc hướng ra biển.

Sau khi bạn đã xác định được các đường hội tụ có thể có thì hãy chọn ra một điểm mà bạn muốn nhấn mạnh để sử dụng làm tiêu điểm. Sau đó cân nhắc lại bố cục, nếu mọi thứ đã ổn định hãy nhấn chụp.

Bố cục đường dẫn cong

Với những đường nét cong cong, loại đường dẫn này sẽ giúp bạn làm mền mại bức hình hơn, mang lại cảm giác yên bình, hài hòa với tính chất nhẹ nhàng và duyên dáng. Không giống như những đường dẫn khác, đường cong thường mang lại cảm giác nhàn nhã đi xuyên qua những khung hình, dẫn dụ người xem ở lại bức hình lâu hơn. Thông thường, đường dẫn cong sẽ được dùng để miêu tả cảnh dòng nước chảy, con đường với nhịp điệu liên tục, êm đềm.

Đường cong không chỉ giúp bức hình có thêm chuyển động mà còn giúp dẫn dụ người xem xung quanh xuyên suốt khung hình. Tuy nhiên, khi sử dụng quá nhiều đường cong trong khung hình cũng sẽ khiến bức tranh bị mất phương hướng, rối rắm, không mang lại trải nghiệm tốt cho người xem. 

Đường dẫn cong

Cách chụp bố cục đường dẫn cong:

Một trong những kỹ thuật khi chụp đường dẫn cong là ứng dụng bố cục xoắn ốc vàng. Bằng cách sắp xếp các đường cong của đối tượng theo đường xoắn ốc, bạn sẽ có thể nâng cao dòng chảy thị giác và sức hấp dẫn tổng thể của bố cục khung hình của mình. 

Bố cục Leading line là gì?

Leading Line là một kỹ thuật bố cục được các nhiếp ảnh gia thường sử dụng khi chụp nhiều thể loại khác nhau, đặc biệt là chụp phong cảnh. Những đường dẫn này đóng vai trò là hướng dẫn trực quan thu hút ánh nhìn của người xem vào hình ảnh, tạo ra một hành trình từ tiền cảnh qua trung cảnh và vào hậu cảnh.

Leading line

Sự khác biệt giữa đường dẫn Leading line và Paths

Bố cục đường dẫn sẽ có hai loại thể hiện cơ bản đó là Leading LinesPaths. Cả hai kỹ thuật này đều sử dụng các đường dẫn để hướng sự chú ý của người xem, tạo cảm giác phối cảnh cho hình ảnh. Tuy nhiên chúng cũng mang những mục đích khác nhau. Theo đó, sự khác biệt giữa Leading Line và Path khá đơn giản. Một đường dẫn Leading Line chỉ ra một điểm thú vị trên khung hình của bạn trong khi đó đường dẫn Path lại có xu hướng dẫn bạn đến với một điểm tụ nào đó có xu hướng dần biến mất. 

Cùng xét ví dụ dưới đây, hình ảnh này chứa một Leading Lines vì nó thu hút sự chú ý của người xem đến những ngọn núi tuyết.

Sự khác biệt giữa đường dẫn Leading line và Paths

Ngược lại, con đường trong bức ảnh dưới lại là một đường dẫn Path vì nó hướng người xem đến một điểm biến mất trên đường chân trời.

Phân biệt giữa Leading Lines và Path

Cách sử dụng đường dẫn Leading lines

Khi bạn đã xác định được những đường dẫn của mình, hãy chú ý đến cách sử dụng chúng để cải thiện cho bố cục hình ảnh. Theo đó, bạn có thể thực hiện các chú ý sau:

  • Đánh giá vị trí và ánh sáng trong ngày. Điều chỉnh theo điều kiện ánh sáng để xác định các thông số gồm tốc độ cửa trập, khẩu độ, iso có trên máy ảnh
  • Tạo chiều sâu và phối cảnh bằng cách định vị một đường thẳng dẫn từ tiền cảnh đến hậu cảnh. Nó nên là một đường dẫn trực quan có sự liên kết đến các thành phần trong bức hình của bạn. 

Tạo chiều sâu bằng cách định vị một đường thẳng dẫn từ tiền cảnh đến hậu cảnh

  • Đặt chủ thể ở nơi có các đường hội tụ để nâng cao tầm quan trọng của chủ thể trong khung hình cũng như thu hút trục tiếp sự chú ý của người xem. 
  • Việc sắp xếp các yếu tố có liên quan tới nhau trong khung có thể được thực hiện bằng cách di chuyển đến những vị trí phù hợp với mục đích lựa chọn khung hình ban đầu.

Đặt chủ thể ở nơi có các đường hội tụ để làm nổi bật chủ thể

Tạm kết

Bố cục đường dẫn có thể giúp ảnh đạt được độ cân bằng mong muốn hay không phụ thuộc vào kỹ năng phân bổ bố cục của bạn. Thành thạo kỹ thuật này sẽ tạo lợi thế trong việc khơi gợi cảm xúc ảnh đối với người xem. Hy vọng bài viết trên sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn nhé.