Skip to content

VJShop.vn

Chụp ảnh indoor có lẽ là một trong những nơi khó chụp nhất đối với hầu hết các nhiếp ảnh gia từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Các nguồn sáng tự nhiên và nhân tạo kết hợp với nhau, cùng sự xuất hiên của hiện tượng phản xạ và khúc xạ ánh sáng qua cửa sổ và trên tường có thể làm bức ảnh bị xáo trộn.

Vậy làm thế nào để bạn chụp ảnh trong phòng đẹp hơn? Dưới đây là 10 mẹo chụp giúp bạn cải thiện kỹ năng chụp ảnh trong nhà. Cùng VJShop tìm hiểu nhé!

Chụp ảnh indoor là gì?

Chụp ảnh indoor hay còn gọi là chụp trong nhà là thể loại nhiếp ảnh mà các nhiếp ảnh gia chỉ chụp ảnh trong phạm vi một ngôi nhà, một căn phòng. Nó có thể là chụp ảnh chân dung, ảnh nội thất, hoặc ảnh sản phẩm. Nó cũng có thể bảo gồm các dự án nghệ thuật, chẳng hạn như chụp ảnh tĩnh vật hoặc phóng sự ảnh.

Chụp ảnh indoor - Chụp ảnh trong nhà là gì

Mỗi một không gian nội thất đều là duy nhất và cung cấp các khả năng khác nhau, nhưng có một số quy tắc cơ bản cần ghi nhớ để giúp quá trình chụp ảnh diễn ra suôn sẻ hơn.

Cách cài đặt máy ảnh cho buổi chụp indoor

Chụp ảnh trong nhà thường có ít ánh sáng hơn ngoài trời, vì vậy bạn cần thay đổi cài đặt máy ảnh của mình để phù hợp với điều này. Hãy xem xét về các thông số ISO, khẩu độ, tốc độ màn trập và cân bằng trắng. Dưới đây là gợi ý cách cài đặt máy ảnh bạn có thể tham khảo

  • ISO: 100 nếu có sự hỗ trợ của chân máy. Nếu không có chân máy hãy thử tăng lên 800 hoặc thậm chí là 1000
  • Tốc độ màn trập: 1/100 nếu chụp ảnh cầm tay và thấp hơn nếu sử dụng chân máy.
  • Khẩu độ: f/4 trở xuống để chụp ảnh chân dung trong nhà, f/11 cho các thể loại chụp ảnh kiến trúc, thiết kế nội thất.
  • WB: có thể tùy chỉnh hoặc cài đặt trước
  • Định dạng ảnh: RAW
  • Chế độ chụp: Ưu tiên khẩu độ

Chụp ảnh trong nhà - Cài đặt thông số máy ảnh

Với một người mới thì cách cài đặt này khá hữu dụng, nó như một điểm khởi đầu, nhưng bạn cũng có thể tùy chỉnh để sáng tạo hơn tùy thuộc vào đối tượng, ánh sáng sẵn có và nhu cầu nghệ thuật của bạn.

Một số mẹo chụp ảnh nghệ thuật trong phòng đẹp

1. Tăng ISO trong điều kiện ánh sáng yếu

Cách phổ biến nhất để tăng độ phơi sáng tổng thể ở các vị trí ánh sáng yếu là tăng ISO, nhưng hay lưu ý rằng điều này sẽ làm tăng khả năng gây nhiễu trong ảnh của bạn. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào công việc bạn đang làm mà ảnh nhiễu hạt có thể được chấp nhận. Điều này sẽ giúp việc chụp ảnh indoor dễ dàng hơn, các bức ảnh sẽ giảm thiểu thiếu sáng rất tốt.

Mẹo nhỏ: Hãy thiết lập giá trị dải ISO tự động trong cài đặt máy ảnh nếu bạn lo lắng về khả năng khôi phục độ nhiễu. Đặt phạm vi ISO sẽ đảm bảo máy ảnh không tăng ISO vượt quá cài đặt tối đa.

Chụp ảnh indoor - Tăng ISO trong điều kiện ánh sáng yếu

2. Mở khẩu lớn

Một cách để tăng độ phơi sáng mà không gây nhiễu trong ảnh chụp indoor là mở khẩu lớn. Làm như vậy sẽ khiến ánh sáng tiếp cận cảm biến nhiều hơn, ảnh sáng hơn. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng khẩu độ lớn sẽ thu hẹp độ sâu trường ảnh, điều này dẫn đến phần nền bị mờ, rất thích hợp để chụp ảnh chân dung trong nhà, chụp các chi tiết hoặc các vật dụng nhỏ.

Chụp ảnh indoor - Mở khẩu lớn

3. Sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn

Giảm tốc độ màn trập cũng là một cách tăng độ phơi sáng tổng thể. Hãy nhớ rằng bạn sẽ phải sử dụng chân máy cho bất kỳ tốc độ cửa trập nào dưới 1/60

Mẹo nhỏ: Chuyển máy ảnh sang chế độ ưu tiên khẩu độ. Chế độ này cho phép bạn đặt khẩu độ và máy ảnh tự động tối ưu hóa để có tốc độ cửa trập nhanh nhất.

Chụp ảnh indoor - Sử dụng tốc độ màn trập thấp

4. Điều chỉnh cân bằng trắng (WB)

Các máy ảnh hiện đại ngày nay làm rất tốt việc cân bằng trắng chính xác ở chế độ “ Cân bằng trắng tự động”. Tuy nhiên, để có kết quả chụp ảnh indoor tốt nhất, bạn nên điều chỉnh cân bằng trắng theo cách thủ công.

Cài đặt WB đặc biệt hữu ích nếu bạn đang chụp định dạng JPG thay vì RAW. JPG chỉ lưu trữ các chi tiết giới hạn của hình ảnh, vì vậy bạn sẽ mất chi tiết khi điều chỉnh quá nhiều WB trong quá trình xử lý hậu kỳ sau này. Nếu bạn đang ở trong không gian có ánh sáng trong nhà và không có nhiều ánh sáng mặt trời, bạn nên đặt cân bằng trắng phù hợp với loại bóng đèn đang sử dụng (đèn sợt đốt hoặc đèn huỳnh quang)

Mẹo nhỏ: Nếu bạn muốn cân bằng trắng hoàn hảo, bạn có thể sử dụng thẻ cân bằng trắng (grey card) để xác định lại thông số WB trước khi chụp.

Chụp ảnh indoor - Thay đổi cân bằng trắng

5. Tận dụng tối đa ánh sáng cửa sổ

Ảnh chụp trong phòng thường hạn chế lượng ánh sáng tự nhiên, vì vậy một trong những điều đơn giản nhất bạn có thể làm để tăng lượng ánh sáng là hướng về phía cửa sổ gần nhất.

Đặt chủ thể của bạn gần cửa số có thể cung cấp nhiều ánh sáng hơn cho hình ảnh, đặc biệt nếu bạn đang chụp ảnh sản phẩm hoặc chân dung. Tránh để cửa sổ phía sau đối tượng của bạn, vì điều đó sẽ chỉ làm cho đối tượng của bạn trở nên tối hơn.

Nếu ánh sáng từ cửa sổ hơi gắt và bạn không muốn đi quá xa ánh sáng này, hãy sử dụng rèm hoặc màn che để khuếch tán ánh sáng. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một nguồn ánh sáng dịu mà không tạo ra vùng đổ bóng quá gắt

Chụp ảnh trong nhà - Tận dụng ánh sáng cửa sổ

6. Xác định thời điểm chụp

Bạn cần biết ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào phòng theo hướng nào trong các thời điểm khác nhau trong ngày. Điều này rất quan trọng để chụp ảnh trong nhà. Ví dụ, một phòng khách có thể nhận được ánh sáng gắt vào buổi sáng nhưng lại tràn ngập ánh sáng dịu tuyệt đẹp vào buổi chiều. Hoặc bạn có thể muốn có một bức ảnh chân dung ấn tượng bên cửa sổ với ánh sáng vàng xuyên qua vào buổi chiều, khi đó bạn cần chọn một căn phòng có hướng Tây.

Nếu có điều kiện cho phép, trước khi chụp bạn hãy dành thời gian để khảo sát vị trí và quan sát ánh sáng trong suốt cả ngày. Nếu không, hãy thử trao đổi với khách hàng của mình về vị trí mặt trời ở những thời điểm khác nhau trong ngày, từ đó lập kế hoạch chụp phù hợp.

chụp ảnh trong nhà - Xác định thời điểm chụp

7. Chụp ảnh trong phòng tối

Chụp ảnh indoor thường bị nhiễu do ánh sáng yếu, thay vì cố chỉnh ảnh thật sáng, bạn có thể tận dụng phòng tối để chụp ảnh. Sử dụng thêm một vài nguồn sáng để tăng thêm chiều sâu, tâm trạng và sự kịch tính cho tấm hình của bạn.

Cách chụp ảnh trong phòng tối với ảnh chân dung hoặc tĩnh vật là hãy xoay đối tượng chụp sang bên nguồn ánh sáng để ánh sáng chiếu vào một phần chủ thể, để bên kia chìm trong bóng tối. Điều này sẽ khiến bức ảnh của bạn trong bí ẩn. Ngoài ra, sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng hiện có để chiếu sáng từ trên cao và tạo ra những vùng bóng đổ ấn tượng. Bạn cũng có thể sáng tạo hơn với các thiết bị chiếu sáng cầm tay chẳng hạn như đèn flash hay soft box. Chỉ cần đảm bảo điều chỉnh cân bằng trắng cho bất kỳ ánh sáng nhân tạo nào.

Chụp ảnh indoor 11 - Kết hợp với bóng tối

8. Lợi dụng sự phản xạ ánh sáng

Nếu bạn đang cố gắng tìm cách lấp đầy bóng tối, thì tấm phản xạ là một trong những phụ kiện hữu dụng và tiết kiệm chi phí nhất để thực hiện điều đó. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tấm phản chiếu với chi phí thấp được bán trên mạng, nhưng bạn cũng có thể thay thế bằng cách sử dụng bất kỳ vật liệu nào màu trắng và mờ đục có sẵn trong nhà như ga trải giường màu trắng hoặc bảng poster màu trắng.

Nếu bạn sử dụng đèn flash hoặc các loại nguồn sáng khác, bạn có thể đánh sáng vào tường hoặc trần nhà để khuếch tán và làm dịu ánh sáng trên đối tượng của mình.

Chụp ảnh indoor - Lợi dụng sự phản xạ

9. Chú ý đến background

Nếu bạn muốn nhấn mạnh hơn vào chủ thể của mình, hãy xem xét một phông nền đơn giản như bức tường vững chắc hoặc một tấm rèm cửa. Hoặc nếu không thể tránh khỏi phần hậu cảnh bừa bộn, hãy mở khẩu lớn, điều này giúp phần nền trở nên mờ đi mà không ảnh hưởng đến chủ thể.

Mặt khác, nếu muốn kể một câu chuyện có sự kết nối giữa chủ thể và hậu cảnh, hãy cân nhắc sử dụng khẩu độ hẹp hơn để lấy được nhiều chi tiết về không gian xung quanh hơn.

Chụp ảnh indoor - Chú ý đến hậu cảnh

10. Sử dụng đạo cụ, phụ kiện chụp ảnh có sẵn (Bonus)

Quan sát xung quanh xem có những vật dụng trang trí hoặc đồ gia dụng nào có sẵn mà bạn có thể sử dụng làm đạo cụ chụp ảnh không. Những vật dụng như chăn, bình hoa, một chiếc ghế sofa hay một chiếc bàn cổ với hoa văn tinh xảo đều có thể tạo thêm hứng thú cho những bức ảnh indoor của bạn.

Chụp ảnh indoor - Sử dụng các đạo cụ có sẵn

Lưu ý khi chụp ảnh trong nhà

Trước khi chụp ảnh trong phòng, bạn cần lưu ý như sau:

Chụp ảnh indoor không chỉ phụ thuộc máy ảnh cũng như các thiết bị chụp. Một trong những yếu tố quan trọng không kém khi chụp trong các tòa nhà, căn phòng với các cấu trúc đó chính là ánh sáng. Nếu vị trí chụp ánh sáng yếu, bạn sẽ cần phải chọn một ống kính sao phù hợp hoặc bạn sẽ cần phải dùng thêm các ánh sáng nhân tạo tạo như đèn, tấm hắt sáng,... Đặc biệt, với những ảnh chụp kiến trúc ngôi nhà bạn sẽ cần sử dụng chân máy ảnh để giữ khung hình ổn định và cho chất lượng tốt nhất.

Thêm vào đó, để ảnh chụp trong phòng có chất lượng tốt, bạn cần phải làm quen với khu vực trước khi tiến hành chụp ảnh. Tìm hiểu xem cửa sổ ở đâu? Các nguồn sáng khác của ngôi nhà như nào? Với các nguồn sáng đó, bạn cần cân nhắc tận dụng sao cho hiệu quả, mang lại những bức ảnh chất lượng nhất.

Cuối cùng, bạn cần quan sát tường nhà, màu sắc chủ đạo căn phòng,... Xem xét mẫu chụp ở đây có bị xỉn màu da không? Nếu có cần đưa ra các phương án khắc phục. Sau khih hoàn toàn những việc này, việc tiến hành chụp ảnh trong nhà của bạn sẽ diễn ra dễ dàng hơn.

Lưu ý khi chụp ảnh trong nhà

Tạm kết

Chụp ảnh trong nhà không hẳn là một thách thức. Trên thực tế, nó có thể là một cách thử sức thú vị để tạo ra những bức ảnh độc đáo. Hãy luyện tập thường xuyên để trở nên hoàn hảo hơn, hãy vui vẻ và sáng tạo ngay trong chính ngôi nhà của bạn. Biết đâu bạn có thể trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi, phát triển một hướng đi mới cho bản thân.