Skip to content

VJShop.vn

Survival International đã phát hành bộ lịch năm 2023 với 12 bức ảnh về các bộ lạc bản địa ít người biết đến từ nhiều nơi trên thế giới từ Brazil, Malaysia, Nga, Kenya, Cộng Hòa Congo,... Ngoài những bức ảnh ra đơn vị này còn "tiết lộ" câu chuyện ấn tượng đằng sau hoàn cảnh ra đời và người dân xuất hiện trong từng bức ảnh trong bộ lịch của mình.

Tổ chức Survival International là gì?

Tổ chức Survival International là một tổ chức nhân quyền được thành lập từ năm 1969, và có trụ sở chính tại Luân Đôn (Anh), đây là một tổ chức luôn vận động cho quyền lợi của những bộ lạc, người dân tại những địa điểm hoang vu trên Trái Đất.

Survival International tổ chức nhân quyền đã hoạt động 50 năm

Tổ chức Survival International chia sẻ về sứ mệnh của mình: “Chúng tôi ngăn chặn những người khai thác gỗ, thợ mỏ và các công ty dầu mỏ phá hủy đất đai, cuộc sống và kế sinh nhai của các bộ lạc trên toàn cầu. Chúng tôi vận động chính phủ công nhận quyền sử dụng đất của người bản địa. Cũng như, ghi lại và tố cáo các hành động tàn bạo đối với những người dân bộ lạc và trực tiếp ngăn chặn điều đó. Chúng tôi là người phát ngôn để các bộ lạc ít người có thể giao tiếp với thế giới bên ngoài.”

12 bức ảnh trong bộ lịch Survival International 2023

Alina Surquislla Gomez, Quechua, Peru, 2021. Bức ảnh này được chụp ở độ cao gần 5200m, trong bức ảnh ta có thể thấy cô gái đang ôm một chú lạc đà alpaca con trên đường tới bãi chăn thả đàn lạc đà alpaca của gia đình mình vào mùa hè. Tại đây, các sông băng đang dần bị thu hẹp và hạn hán gia tăng khiến các đồng cỏ trở nên khô quạnh buộc những người chăn nuôi gia súc (đa số là phụ nữ) phải tìm kiếm các bãi chăn thả mới thường ở những địa hình rất hiểm trở.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Cô gái Alina Surquislla Gomez được chụp bởi nhiếp ảnh gia Alessandro Cinque tại Peru vào năm 2021

Bức ảnh tiếp theo là về cậu bé Sama-Bajau thuộc dân tộc Bajau, họ cư ngụ tại khu vực biển ở Malaysia. Trong bức hình miêu tả được sự vui mừng của cậu bé khi được nhảy từ nhà xuống dòng nước biển mát lành. Người dân Bajau dành phần lớn cuộc đời của họ trên biển. Khi săn bắt thủy sản, tìm ngọc trai và hải sâm dưới đáy biển họ có thể lặn tự do ở độ sâu lên đến 20 mét và nín thở tới ba phút.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Cậu bé Sama-Bajau được chụp bởi nhiếp ảnh gia Pierre de Vallombreuse tại Malaysia vào năm 2013

Hình ảnh kế tiếp là nụ cười ngây ngô của cô bé Kayapó (Mebêngôkre) ở Brazil nhưng ít ai biết rằng khung cảnh của nụ cười đấy lại tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Brasília (Brazil). Vào tháng 4 hàng năm, hàng nghìn người dân bản địa từ khắp các vùng lãnh thổ Brazil đi nhiều cây số để tập trung tại Free Land Camp ở thủ đô Brasília để tổ chức những cuộc biểu tình nhằm bảo vệ đất đai và cuộc sống của họ.

Nụ cười ngây ngô của cô bé tại cuộc biểu tình ở Brazil

Cô gái Kayapó (Mebêngôkre) được chụp bởi nhiếp ảnh gia Ekuná Kamayurá tại thủ đô Brasília (Brazil) vào năm 2022

Dưới đây là các trẻ em thuộc bộ lạc Nenets tại Nga đang rong ruổi với người anh kéo người em trên một mặt đường phủ tuyết trắng. Để đi học nhiều bạn nhỏ đã phải đi quãng đường rất xa và trở về nhà trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt của vùng Yamal. Các bạn trẻ tại bộ lạc có sứ mệnh là người thừa kế vùng lãnh thổ, ngôn ngữ đồng thời là người lưu giữ kiến thức của tổ tiên mình - những người chăn tuần lộc du mục cuối cùng trên thế giới.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Bản làng của người Nenets được chụp bởi nhiếp ảnh gia Yuliya Vassilyeva tại Nga vào năm 2019

Những người phụ nữ của bộ tộc Aka Mbenzelé (Cộng hòa Congo) đang thu thập những con sâu bướm ăn được trong các ngôi nhà trong rừng của họ. Họ đã thừa kế việc bảo vệ và quản lý khu rừng từ tổ tiên của mình và họ là những người bảo vệ tốt nhất cho hệ sinh thái tại đây khỏi những kẻ buôn lậu gỗ và săn lùng động vật hoang dã. Tuy nhiên, việc thành lập các khu bảo tồn đã vô tình đem đến nạn đói, bệnh tật, bạo lực tàn khốc, quấy rối, đánh đập, tra tấn hay thậm chí là cái chết cho những người dân bản địa tại đây.

Những người phụ nữ ở bộ lạc Aka Mbenzele đang thu thập sâu bướm

Những phụ nữ bộ tộc Aka Mbenzelé được chụp bởi nhiếp ảnh gia Marco Simoncelli tại Cộng Hòa Congo vào năm 2021

Gương mặt đầy khắc khổ của một người chăn cừu Ladakhi tại Ấn Độ. Trên dòng sông băng gần với Gya, người chăn cừu này đã phải vượt những địa hình hiểm trở trong thời tiết khắc nghiệt với áo lông dày cùng mũ trùm đầu để mang phân yak khô (vật liệu giúp sưởi ấm cho các ngôi nhà ở Ladakhi.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Người chăn cừu Ladakhi được chụp bởi nhiếp ảnh gia Nadia Ferroukhi tại Ấn Độ vào năm 2017

Dưới đây, là hình ảnh chiếc lều hay còn được xem là ngôi nhà di động truyền thống của một số dân tộc du mục riêng biệt trên thảo nguyên Trung Á. Căn nhà di động của những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn như thêm phần lung linh dưới bầu trời đầy sao của vùng Mông Cổ đầy lộng lẫy.

Một bức ảnh duy nhất không có người là túp lều truyền thống của người Mông Cổ

“Yurt of Kazakh Eagle Hunters” được chụp bởi nhiếp ảnh gia Vijesh Kumar Raju tại Mông Cổ vào năm 2018

Nếu không miêu tả có lẽ ít bạn biết rằng đây chính là hình ảnh ngôi làng Enawene Nawe tại Brazil được chụp từ trên cao. Những người thổ dân tại đây là người bảo vệ cực kỳ tốt cho vùng đất của họ. Nhìn từ trên cao xuống, sự đa dạng của cảnh quan nơi đây thật phi thường, từ hình ảnh ta có thể thấy được những ngôi nhà ở Enawene Nawe cùng những lối đi xung quanh, cây cối và thảm thực vật nhưng cũng có thể thấy được cả sự xuống cấp của môi trường xung quanh bởi những cuộc chiến xâm hại vào phần lãnh thổ của họ từ các bộ tộc khác hoặc bọn buôn lậu.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Ngôi làng Enawene Nawe được chụp bởi nhiếp ảnh gia Richard Mosse cùng sự hỗ trợ của Jack Shainman Gallery tại Brazil vào năm 2020

Một người đàn ông ở bộ tộc Yanomami tại Brazil với những dấu tay in hằn lên người mình. Đây là một phong tục tại đây trong hàng chục ngàn năm, những dấu tay này để báo hiệu sự tồn tại và kháng cự của họ với những thế lực đen tối như buôn lậu hay bạo động. Đây cũng như một lời kêu gọi sự giúp đỡ của người dân Yanomami tới nhân loại bởi nạn buôn lậu đang hoành hành tại nơi đây.

Một trong những phong tục lâu đời của người Yanomami

Người đàn ông Yanomami được chụp bởi nhiếp ảnh gia Fiona Watson tại Brazil vào năm 2010

Hình ảnh dưới đây là một trong những nghi thức thuộc nghi lễ Üi Kãnã Pataxi được những người dân của bộ tộc Pataxó tổ chức vào tháng 10 hàng năm đẻ đánh dấu sự khởi đầu của mùa mưa để cầu cho một mùa màng bội thu cho người dân Pataxó. Vào thời gian này, cộng đồng sẽ tập hợp lại với nhau, tổ chức đám cưới và các nghi lễ truyền thống khác.

Chân Dung Những Bộ Lạc Bản Địa Trên Thế Giới Và Hoàn Cảnh “Éo Le” Của Họ

Người đàn ông Pataxó được chụp bởi nhiếp ảnh gia Edgar Kanaykõ Xakriabá tại Brazil vào năm 2014

Ở hình ảnh này chúng ta có thể thấy một cậu bé đang chăn thả đàn gia súc của mình tại khu bảo tồn Maasai Mara tại Kenya. Trong nhiều thế hệ, những người chăn gia súc Massai ở Kenya và Tanzania đã biết cách theo dõi những cơn mưa trái mùa ở khu vực Đông Phi để di chuyển đàn gia súc của mình từ nơi này sang nơi khác để tạo cơ hội cho cỏ mọc trở lại. Nhưng hiện họ đang phải chịu vô vàn khó khăn bởi biến đổi khí hậu, vi phạm nhân quyền và gần như bị trục xuất khỏi vùng đất của tổ tiên dưới danh nghĩa “khu bảo tồn”.

Những người chăn gia súc Massai tại Kenya

Những người chăn gia súc Massai được nhiếp ảnh gia Charlie Hamilton James chụp tại Khu bảo tồn Maasai Mara, Kenya vào năm 2015

Hình ảnh người phụ nữ ở bộ tộc Guajajara đang đan chiếc võng maniá truyền thống của mình. Bộ lạc này còn được biết đến với cái tên “Người bảo vệ Amazon” nhưng hiện nạn buôn lậu đang hủy hoại môi trường nơi đây và những người dân Guajajara đang phải gồng mình chống chọi lại với những dụng cụ thô sơ cùng những người hàng xóm Awá không mấy thân thiện với thế giới bên ngoài.

Người phụ nữ Guajajara đang đan chiếc võng maniá

Người phụ nữ Guajajara được chụp bởi Edivan Dos Santos Guajajara tại Terra IndígenaAraribóia, Brazil vào năm 2021

Thông qua hình ảnh trong bộ lịch 2023 của Survival International và những câu chuyện họ truyền tải, chúng ta như được hiểu thêm về cuộc sống khó khăn của các bộ lạc bản địa tại nhiều nơi trên thế giới khi thời đại công nghệ phát triển và "lòng tham" của con người ngày một lớn.