Hyperfocal Distance là một chủ đề khá khó đối với người mới bắt đầu và ngay cả với những nhiếp ảnh gia nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu nắm chắc được kiến thức này, việc chụp những bức ảnh sắc nét với phong cảnh đẹp tuyệt vời sẽ thật dễ dàng. Bài viết dưới đây, VJShop sẽ giải thích cụ thể Hyperfocal Distance là gì và các phương pháp để tìm ra khoảng cách siêu nét cho phép chụp ảnh sắc nét nhất có thể.
Tóm tắt nội dung: |
Hyperfocal Distance là gì?
Hyperfocal Distance (khoảng cách siêu nét) là khoảng cách cho bức ảnh của bạn có độ sâu trường ảnh D.O.F lớn nhất. Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến khi chụp ảnh phong cảnh, để lấy nét được cả cả tiền cảnh, hậu cảnh và mọi yếu tố xung. Khi chụp kiểu nhiếp ảnh này thường sẽ xảy ra tình trạng: nếu bạn lấy nét vào hậu cảnh, tiền cảnh sẽ bị mất nét hoặc ngược lại. Để khắc phục điều này, kỹ thuật Hyperfocal Distance sẽ giúp bạn tìm ra được một điểm lấy nét cụ thể giữa, từ đó đảm bảo bức ảnh của bạn được sắc nét cho cả các thành phần tiền cảnh và hậu cảnh. Điểm lấy nét này được gọi là Hyperfocal Distance.
Trong nhiếp ảnh, Hyperfocal Distance thường được giải thích theo nhiều kiểu khác nhau. Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể hiểu Hyperfocal Distance là "khoảng cách lấy nét gần nhất cho phép các vật thể ở vô cực có độ sắc nét chấp nhận được". Vô cực ở đây có thể vật ở khoảng cách rất xa như là đường chân trời hoặc ngôi sao ban đêm chẳng hạn. Ngoài ra, Hyperfocal Distance còn được giải thích theo một vài cách khác như:
- Một cách giải thích khác cho rằng: khoảng cách siêu nét của ống kính sẽ thay đổi theo khẩu độ. Điều này có thể hiểu như sau: nếu mở khẩu độ lớn, như là f/2, bạn sẽ cần lấy nét ở khoảng cách khá xa để các vật thể ở vô cực xuất hiện rõ nét. Tuy nhiên, ở khẩu độ nhỏ f/11 hoặc f/16, các vật thể ở xa sẽ tiếp tục sắc nét ngay cả khi ống kính lấy nét gần các vật thể hơn.
- Một cách giải thích khác nữa là khoảng cách siêu tiêu cự không thay đổi theo khẩu độ. Theo giải thích này, người ta cho rằng Hyperfocal Distance là khoảng cách lấy nét mang lại độ sắc nét như nhau giữa tiền cảnh và hậu cảnh. Và khoảng cách siêu nét này sẽ không thay đổi dù bạn thay đổi khẩu độ (ngay cả khi cả tiền cảnh và hậu cảnh ngày càng mất nét ở khẩu độ rộng).
- Lý do có những cách giải thích khác nhau này là cụm từ “sắc nét ở mức chấp nhận được” trong định nghĩa về Hyperfocal Distance. Đối với một số người, độ sắc nét ở mức chấp nhận được là một giá trị chính xác, trong khi đối với những người khác, “sắc nét ở mức chấp nhận được” có nghĩa là hậu cảnh có độ sắc nét tương đương với tiền cảnh. Cả hai cách giải thích đều không sai và định nghĩa về khoảng cách siêu tiêu cự cho phép chúng ta sử dụng cả hai cách. Tuy nhiên, cách giải thích thứ hai có lợi ích là mang lại bức ảnh tổng thể sắc nét nhất từ trước ra sau, vì nó không ưu tiên độ sắc nét của hậu cảnh hơn độ sắc nét của tiền cảnh.
Độ dài tiêu cự cũng có tác động rất lớn đến Hyperfocal Distance. Khi bạn phóng to, khoảng cách siêu nét sẽ di chuyển ngày càng xa. Đối với ống kính 20mm, bạn có thể cần lấy nét chỉ cách ống kính vài mét để có được đường chân trời (hậu cảnh ở xa vô cực) sắc nét ở mức chấp nhận được. Mặt khác, đối với ống kính 200mm, khoảng cách siêu tiêu cự của bạn có thể cách xa hàng trăm mét.
Lưu ý, nếu bạn lấy nét ở điểm Hyperfocal Distance, ảnh của bạn sẽ sắc nét từ một nửa khoảng cách của máy ảnh đến điểm lấy nét Hyperfocal Distance cho đến vô cực. Vì vậy, nếu khoảng cách siêu nét Hyperfocal Distance là 10m, thì mọi thứ từ 5m trước điểm lấy nét Hyperfocal Distance cho đến đường chân trời sẽ sắc nét.
Những yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách siêu nét
Hyperfocal Distance ảnh hưởng bởi 3 yếu tố gồm: khẩu độ, độ dài tiêu cự và kích thước cảm biến. Ba yếu tố này quyết định độ sâu trường ảnh khi chụp, cụ thể:
- Khẩu độ: Độ sâu trường ảnh rộng hơn nghĩa là bạn có thể chụp được bức ảnh với hậu cảnh và tiền cảnh sắc nét hơn. Chụp ảnh ở khẩu độ càng nhỏ thì khoảng cách siêu nét sẽ càng gần và cho độ sâu trường ảnh càng lớn.
- Độ dài tiêu cự: Ống kính có tiêu cự càng nhỏ thì góc xem càng rộng và khoảng cách siêu nét càng gần, trường ảnh càng lớn. Ngược lại, tiêu cự lớn sẽ cho trường ảnh mỏng, khoảng cách lấy nét xa hơn.
- Kích thước cảm biến: Cảm biến kỹ thuật số lớn hơn sẽ mang lại khoảng cách siêu tiêu cự gần hơn, cho trường ảnh lớn hơn.
Khi nào nên sử dụng kỹ thuật Hyperfocal Distance?
Không phải khi nào chụp ảnh cũng yêu cầu bạn phải lấy nét ống kính ở khoảng cách siêu nét. Ví dụ, hãy xem xét tầm nhìn ra một ngọn núi ở xa. Nếu bạn đứng trên đỉnh núi để chụp, tiền cảnh phía trước không có vật cản nào thì việc tính toán khoảng cảnh siêu nét là không cần thiết, vì vật thể gần nhất của bạn thực sự ở vô cực. Bạn chỉ cần lấy nét vào các ngọn núi ở phía xa, bức ảnh của bạn sẽ đảm bảo độ sắc nét toàn khung hình, ngay cả khi bạn mở khẩu lớn. Bởi theo lý thuyết các vật thể gần nhất cũng ở khoảng cách rất xa nên việc để khẩu độ lớn cũng không khiến ảnh bị xóa phông, tuy nhiên trong thực tế thì ống kính không thực sự cho ảnh sắc nét khi ở khẩu độ rộng.
Cần tính toán khoảng cách Hyperfocal Distance khi chụp ảnh có các vật thể ở gần mà bức ảnh yêu cầu cả tiền cảnh và hậu cảnh đều phải sắc nét. Mặc dù vậy, vì bạn đang thực sự lấy nét giữa những vật thể này nên cả hai đều không đạt được độ sắc nét hoàn hảo mà chỉ đạt được mức có thể chấp nhận được.
Tương tự như vậy, việc tính toán Hyperfocal Distance cũng hiệu quả với những vật thể ở quá gần ống kính. Bởi bạn không thể lấy nét một vật ở xa cùng lúc với một vật chỉ cách ống kính chỉ vài cm (trừ khi bạn chụp bằng thiết bị chuyên dụng như ống kính tilt-shift,...). Thay vào đó, bạn có sử dụng kỹ thuật Focus Stacking (chụp một số bức ảnh ở các khoảng cách lấy nét khác nhau, sau đó hòa trộn chúng lại với nhau trong quá trình xử lý hậu kỳ) hoặc di chuyển máy ảnh ra xa chủ thể ở gần. Cách thứ làm này thường phổ biến hơn vì dễ thực hiện hơn, trong khi đó cách tìm Hyperfocal Distance là một kỹ thuật nhiếp ảnh nâng cao không dễ thực hiện. Mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm riêng, tùy trường hợp mà các nhiếp ảnh gia có thể áp dụng các biện pháp khác nhau.
Công thức tính khoảng cách siêu nét
Hyperfocal Distance có thể tính toán được bằng công thức toán học như sau:
Trong đó:
- f là độ dài tiêu cự.
- N là khẩu độ.
- C là circle of confusion (C.o.C): có thể hiểu đơn giản là đây là một điểm sáng mờ trên cảm biến máy ảnh của bạn thường xuất hiện do bị mất nét. Kích thước của điểm sáng mờ này được đo bằng mm. Vòng tròn này có thể chấp nhận được khi có kích thước nhỏ trong khoảng 0.03 đối với hình ảnh phim 35mm.
Thông thường, bạn không cần sử dụng công thức này để tính toán khoảng cách Hyperfocal khi chụp ảnh. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các biểu đồ đã tính toán sẵn hoặc các ứng dụng tính toán khoảng cách lấy nét phổ biến trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, công thức này sẽ rất hữu ích để bạn có thể hình dung ra các cài đặt để lấy nét trên máy ảnh của mình.
Các phương pháp tìm Hyperfocal Distance để chụp ảnh sắc nét
1. Sử dụng biểu đồ tính toán khoảng cách siêu nét
Một trong những cách dễ dàng nhất để tính toán được khoảng cách lấy nét là sử dụng biểu đồ Hyperfocal Distance như dưới đây.
Biểu đồ này cho thấy, bạn có thể kiểm soát được 2 biến: độ dài tiêu cự và giá trị khẩu độ. Với mỗi khẩu độ và tiêu cự tương ứng, bạn sẽ có được khoảng cách nét của hình ảnh. Chia khoảng cách này cho 2, đây sẽ là khoảng cách gần nhất ống kính thế có thể lấy nét.
Để sử dụng biểu đồ trên, ta làm theo các bước sau:
- Bước 1: Chọn một ống kính và nhớ lưu ý độ dài tiêu cự mà bạn đang sử dụng.
- Bước 2: Chọn một giá trị khẩu độ.
- Bước 3: Tìm khoảng cách siêu nét tương ứng với tiêu cự và khẩu độ bạn đã chọn.
- Bước 4: Lấy nét ống kính của bạn ở khoảng cách siêu nét. Điều này có thể được thực hiện bằng cách ước tính hoặc bằng thang đo tiêu cự trên ống kính của bạn (nếu có).
- Bước 5: Chia khoảng cách tính toán được cho 2 sẽ ra khoảng cách lấy nét gần nhất từ vật đến máy ảnh.
Tuy nhiên, tính thực tế của cách tính không cao, bởi không ai muốn vừa mang theo một biểu đồ vừa chụp vừa tính toán cả. Điều này vừa làm mất thời gian vừa khiến mất cảm hứng chụp ảnh. Ngoài ra, cách tính này có thể làm cho hậu cảnh của bạn sắc nét ở mức chấp nhận được nhưng tiền cảnh thì chưa chắc. Bởi biểu đồ này không biết được tiền cảnh của bạn ở gần hay xa, có khoảng cách như thế nào với máy ảnh. Do đó, khoảng cách siêu nét được xác định theo cách này không thực sự chính xác.
2. Sử dụng thang đo lấy nét
Ở các ống kính một tiêu cự cũ hoặc ống kính có hệ thống lấy nét thủ công, thường sẽ có thang đo tiêu cự trên ống kính. Những thang đo này cho bạn biết chính xác độ sâu trường ảnh bạn sẽ có ở một khẩu độ nhất định, bao gồm cả khoảng cách gần và xa sẽ xuất hiện sắc nét. Như ống kính dưới đây, với f/11, hình ảnh có độ sâu trường ảnh ở khoảng cách từ 1-2m.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ống kính đều có thang đo lấy nét và nhiều nhà sản xuất đã loại bỏ tính năng này trên dòng ống kính rẻ. Một số ống kính có thang đo lấy nét nhưng lại chỉ hiển thị một hoặc hai giá trị khẩu độ. Đặc biệt đối với các ống kính zoom, tuy có thang đo lấy nét nhưng nhiều ống kính không có hiển thị các giá trị khẩu độ. Bởi một số ống kính thu phóng không thể có khẩu độ đồng thời chính xác ở cả hai cực của phạm vi zoom. Tuy nhiên, nếu có một ống kính có thang lấy nét, hãy làm theo các bước bên dưới để tìm thấy khoảng cách siêu nét:
- Chọn giá trị khẩu độ cho bức ảnh, có tính đến độ sâu trường ảnh mà bạn cần.
- Sẽ có hai dấu gạch ngang trên ống kính của bạn tương ứng với độ sâu trường ảnh, như minh họa ở trên. Xếp một trong những dấu gạch ngang đó vào điểm ở giữa dấu ∞. (Mặc dù không thấy rõ trên ảnh nhưng thang lấy nét sẽ quay từ bên này sang bên kia khi ống kính được lấy nét.)
- Dấu gạch ngang khác sẽ chỉ định điểm độ sâu trường ảnh của bạn dừng lại. Bây giờ, bạn sẽ lấy nét ở điểm Hyperfocal Distance.
3. Phương pháp khoảng cách gấp đôi
Đây là phương pháp lấy nét đơn giản nhất để tìm Hyperfocal Distance. Hãy nhớ rằng mọi thứ từ một nửa khoảng cách Hyperfocal đều được lấy nét. Vì vậy, để tìm khoảng cách siêu nét cho một cảnh nào đó, bạn chỉ cần tăng gấp đôi độ dài giữa ống kính và vật thể gần nhất trong ảnh. Ví dụ, bạn muốn chụp bông hoa cách máy ảnh của bạn 1.5m và cả hậu cảnh trở nên sắc nét thì bạn nên lấy nét vào điểm cách đó khoảng 3m.
Cách để thực hiện phương pháp lấy nét này như sau:
- Nhìn vào khung cảnh bạn đang muốn chụp, tìm vật thể gần nhất bạn muốn lấy nét và ước tính khoảng cách của nó tới máy ảnh của bạn.
- Nhân đôi khoảng cách này lên sẽ ra khoảng cách siêu nét - Hyperfocal Distance.
- Lấy nét ống kính của bạn vào điểm siêu nét trên.
- Hãy giảm khẩu độ để có thể tăng độ sâu trường ảnh. Đối với ống kính góc rộng, bạn có thể để khẩu độ ở khoảng f/8 - f/11 hoặc xem lại ảnh thu được để đảm bảo rằng mọi thứ đều sắc nét.
- Khi này, mọi thứ ở khoảng cách đó đến vô cùng sẽ sắc nét.
Với tìm Hyperfocal Distance này, bạn không cần mang theo công cụ tính toán hay mất quá nhiều thời gian để đo đạc khoảng cách siêu nét. Chỉ cần thực hành rèn luyện ước lượng khoảng cách lấy nét đủ nhiều, bạn sẽ có thể lấy nét thành công với mọi bức ảnh. Đây là phương pháp nhanh chóng, có độ chính xác tương đối tốt, được nhiều các nhiếp ảnh gia lựa chọn nhất.
4. Phương pháp lấy nét vô cực ở chế độ Live View
Phương pháp lấy nét vô cực ở chế độ Live View là một phương pháp tính toán khoảng cách siêu nét chính xác tương tự như phương pháp sử dụng thang đo lấy nét trên ống kính. Ở khẩu độ bạn dự định sử dụng, hãy chụp một bức ảnh và xem lại nó trên màn hình LCD. Bằng cách phóng to hình ảnh lên chế độ xem 100% và bắt đầu di chuyển từ điểm bạn lấy nét đi dần xuống tiền cảnh, cho đến vị trí bắt đầu mờ. Điểm mờ này chính là điểm gần nhất có vẻ sắc nét ở mức chấp nhận được trong ảnh hay chính là điểm Hyperfocal Distance.
Cách sử dụng phương pháp tính toán Hyperfocal Distance này như sau:
- Bước 1: Chụp ảnh ở khẩu độ bạn muốn sử dụng, lấy nét vào đối tượng hậu cảnh xa nhất trong khung hình.
- Bước 2: Xem lại hình ảnh ở độ phóng đại cao nhất là 100%. Cuộn ảnh xuống cho đến khi tìm thấy điểm gần nhất vẫn sắc nét ở mức chấp nhận được (mọi thứ từ điểm này đến tiền cảnh trông sẽ mờ).
- Bước 3: Lấy nét ống kính của bạn vào điểm này, cần đảm bảo trong quá trình lấy nét khẩu độ không thay đổi.
- Bước 4: Khi này, mọi thứ từ một nửa khoảng cách đó cho đến vô cực sẽ sắc nét.
5. Phương pháp Blur Focus
Blur Focus là một phương pháp tìm khoảng cách siêu nét khá đơn giản. Đối với phương pháp này, bạn có thể vào chế độ Live View ở khẩu độ rộng nhất mà ống kính của bạn cung cấp. Sau đó, lấy nét ống kính sao cho cả tiền cảnh và hậu cảnh đều mờ như nhau. Khoảng cách lấy nét này về cơ bản là Hyperfocal Distance.
Để sử dụng phương pháp này, ta thực hiện như sau:
- Bước 1: Chuyển ống kính của bạn sang chế độ lấy nét thủ công.
- Bước 2: Cài đặt khẩu độ máy ảnh ở khẩu độ rộng nhất (thường là từ f/1.8 đến f/4).
- Bước 3: Bật chế độ Live View.
- Bước 4: Lấy nét ống kính sao cho vật thể gần nhất và vật thể xa nhất trong khung cảnh của bạn đều mờ như nhau.
- Bước 5: Không chạm vào vòng lấy nét nữa (đã được đặt ở khoảng cách Hyperfocal Distance của bạn) và đặt khẩu độ ống kính mong muốn. Bây giờ, mọi thứ từ một nửa khoảng cách siêu nét cho đến vô cực sẽ sắc nét.
Ví dụ: bạn muốn chụp tảng đá ở gần đó, trước tảng đá phía xa. Việc cần làm của bạn khi này là chuyển sang khẩu độ lớn nhất của ống kính và xem ở chế độ Live View. Sau đó, xoay vòng lấy nét cho đến khi tảng đá trước và sau được làm mờ ở mức như nhau. Cả tiền cảnh và hậu cảnh đều không sắc nét, bạn chỉ cần tìm ra điểm khiến mờ mà bạn nhìn thấy gần như giống nhau. Như bức ảnh dưới đây:
Bức ảnh được chụp bởi NIKON D800E và ống kính 20mm f/1.8 ở ISO 100, tốc độ màn trập 1/125 và khẩu độ lớn nhất là f/1.8. Bạn có thể thấy cả tiền ảnh và hậu cảnh của bức ảnh đều không thực sự được lấy nét. Điều này có nghĩa là người chụp đã tìm được khoảng cách siêu nét của phong cảnh. Sau khi chụp bức ảnh để tìm khoảng cách siêu nét, người chụp chuyển sang chụp ở khẩu độ f/16 cho bức ảnh bên dưới:
Ta có thể thấy, bức ảnh này đẹp hơn nhiều so với bức ảnh trước đó. Khi zoom cực đại phần tiền cảnh và hậu cảnh, mọi thứ đều đã sắc nét ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng khi chụp ở khẩu độ nhỏ như f/16, ống kính sẽ có thể xảy ra tình trạng mờ do nhiễu xạ. Do đó, khẩu độ lý tưởng nhất để sử dụng nên là ở f/5.6 hoặc f/8 để có được độ sắc nét tối đa.
6. Phương pháp lấy nét Split-Screen
Một số máy ảnh mới như Nikon D810 có tính năng Split-Screen Display Zoom. Khi bật tính năng này, bạn có thể phóng to đồng thời hai phần khác nhau của màn hình xem trực tiếp của máy ảnh. Tính năng này cho phép bạn có thể thấy đồng thời độ sắc nét của cả tiền cảnh và hậu cảnh. Điều này cho phép bạn lấy nét thủ công cho đến khi cả hai đều sắc nét như nhau.
Tuy nhiên, tính năng này có nhược điểm đó là chỉ chia màn hình này thành 2 nửa trái và phải. Điều này có thể gây khó khăn trong việc quan sát khi chụp các ảnh phong cảnh nằm ngang. Nhưng nếu bạn chụp hình dọc thì tính năng này cũng khá hữu ích.
Mức độ chính xác của các phương pháp tìm khoảng cách siêu nét
Thực sự thì không có phương pháp tìm Hyperfocal Distance nào ở trên cho độ chính xác tuyệt đối. Tất cả đều yêu cầu bạn ước tính khoảng cách hoặc vào kiểm tra độ sắc nét trực tiếp trên màn hình sau khi chụp thử. Và không có cách nào trong đó giúp bạn quyết định sử dụng khẩu độ nào để đạt được độ sắc nét nhất. Trong thực tế, việc theo đuổi một bức ảnh sắc nét hoàn hảo có thể nói gần như là không thể. Đối với hầu hết các bức ảnh bạn chụp đủ gần điểm siêu nét đã là quá đủ.
Nếu bức ảnh bạn chụp yêu cầu độ sắc nét cao gần như hoàn hảo, thị bạn nên kiểm tra lại bức ảnh mình sau khi chụp được bằng cách thu phóng 100% để thấy rõ độ sắc nét. Điều này đặc biệt cần thiết khi bạn những bức ảnh phong cảnh chạy từ khoảng cách vài mét trước ống kính của bạn đến khoảng cách xa. Trong trường hợp này, nếu bạn không lấy nét được ở khoảng cách siêu nét hoàn hảo nhất sẽ dẫn tới hình ảnh bị mờ khi in các bản in lớn.
Mặc dù vậy, đối với hầu hết các bức ảnh hằng ngày, các phương pháp tìm khoảng cách lấy nét - Hyperfocal Distance trên là khá chính xác. Quan trọng, các kỹ thuật này không cần dựa vào biểu đồ hoặc ứng dụng tập trung bên ngoài và rất dễ để thực hiện.
Kết luận
Về cơ bản Hyperfocal Distance khá là phức tạp. Nếu bạn thực sự quan tâm đến Circle of confusion và độ sắc nét ở mức từng pixel thì có lẽ việc nghiên cứ khoảng cách Hyperfocal Distance chính xác sẽ phù hợp với bạn. Còn lại, gần như với hầu hết các nhiếp ảnh gia khác sẽ hài lòng khi lấy nét gần đúng giữa tiền cảnh và hậu cảnh, mọi người sẽ vui vẻ với bức ảnh thu được ở mức sắc nét có thể chấp nhận được. Với những phương pháp tìm khoảng cách siêu nét như trình bày trong bài, đã phần nào giúp các nhiếp ảnh gia tìm được cách lấy nét dễ dàng hơn.