Skip to content

VJShop.vn

Kính ngắm là một thành phần quan trọng của máy ảnh. Hầu hết các thiết bị ghi hình hiện nay đều được trang bị một loại kính ngắm phù hợp, hỗ trợ cho quá trình quay chụp đạt hiệu quả tốt nhất. Kính ngắm gồm 2 loại: kính ngắm điện tử (EVF) và kính ngắm quang học (OVF). Vậy chúng có gì khác nhau? Loại kính ngắm nào tốt hơn? Vùng VJShop tìm hiểu để chọn cho mình chiếc máy ảnh có loại kính ngắm tốt nhất nhé!

Sự phát triển của các loại kính ngắm

Trong một thời gian dài trước đây, kính ngắm điện tử (EVF) vẫn không được coi trọng, đặc biệt trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Mặc dù chúng cung cấp khá nhiều lợi thế so với kính ngắm quang học (OVF), chẳng hạn như xem trước độ phơi sáng WYSIWYG. Các EVF đời đầu cũng có những điểm yếu về chất lượng hình ảnh và độ trễ. Đó cũng là một trong những lý do mà công nghệ OVF trên máy ảnh DSLR vẫn thống trị một thời gian khá dài sau khi máy ảnh không gương lật ra đời.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tất cả các loại kính ngắm trên máy ảnh đều đã được cải thiện. Đặc biệt với kính ngắm điện tử, độ phân giải cao hơn và tốc độ làm mới được nâng cấp đã giúp cho hình ảnh ngắm qua EVF sắc nét hơn, có độ trễ thấp hơn, tạo sự cạnh tranh cân bằng với OVF. 

kính ngắm trên máy ảnh

Ưu và nhược điểm của kính ngắm quang học và kính ngắm điện tử

Cả hai loại kính ngắm điện tử và quang học đều có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với từng dòng máy ảnh cũng như mục đích sử dụng nhất định.

Kính ngắm quang học (OVF)

Loại kính ngắm này thường được trang bị trên các máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. Kính ngắm quang học OVF hoạt động trên một hệ thống gương và lăng kính, cho phép người chụp nhìn chính xác những gì ống kính nhìn thấy qua kính ngắm.

Ưu điểm

OVF mang nhiều lợi thế như ảnh ngắm không giới hạn độ phân giải, không có độ trễ về thời gian khi nhìn thấy cảnh. Đồng thời, do không sử dụng năng lượng từ pin nên sẽ tiết kiệm pin cho máy ảnh của bạn. 

Ngoài ra, trên một số máy ảnh tích hợp OVF vẫn sử dụng cả màn hình LCD, các nhiếp ảnh gia có thể nhìn hình ảnh qua màn hình này mà không bị lóa sáng khi ở dưới ánh sáng mặt trời.

kính ngắm quang học

Nhược điểm

Đối với những chiếc máy ảnh đời đầu, kính ngắm quang học thường sẽ mờ hơn so với những mẫu máy ảnh cao cấp ngày nay. Vì vậy chất lượng ảnh ngắm của nó cũng kém hơn. Ngoài ra, với những máy ảnh lấy nét tự động, người chụp có thể sẽ gặp khó khăn khi phải lấy nét thủ công trong lúc sử dụng kính ngắm OVF.

Thêm vào đó, do thiết kế quang học nên kính ngắm OVF chiếm diện tích khá lớn trên thân máy ảnh. Vì vậy, với những ai thích một chiếc máy ảnh nhỏ nhẹ thì camera tích hợp kính ngắm điện tử sẽ phù hợp hơn.

Kính ngắm điện tử (EVF)

Kính ngắm điện tử thường xuất hiện trên các dòng máy ảnh không gương lật và được trang bị thêm một màn hình LCD để hiển thị hình ảnh được chiếu lên cảm biến.

Ưu điểm

EVF có thể hiển thị đối tượng lấy nét trong toàn bộ khung hình, dù những đối tượng này không ở trung tâm của khung hình. Một số kính ngắm điện tử còn hiển thị các chức năng và cài đặt của máy ảnh, cho phép người dùng có thể xem trước cân bằng trắng và phơi sáng của hình ảnh trước khi chụp. Điều này cũng hỗ trợ tốt trong các trường hợp chụp thiếu sáng, đem đến ảnh chụp rõ ràng, sắc nét.

Bên cạnh đó, việc lấy nét bằng tay khi sử dụng EVF cũng dễ dàng hơn so với OVF. Bởi kính ngắm điện tử cho phép người dùng zoom rõ đối tượng cần tập trung, đồng thời màn hình EVF cũng sáng tự động cho hiệu quả lấy nét tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.

Ngoài ra, do cấu tạo không cần gương và lăng kính cồng kềnh nên những chiếc máy ảnh sử dụng loại kính ngắm này sẽ gọn gàng hơn, cho khả năng di chuyển linh hoạt hơn.

kính ngắm điện tử

Nhược điểm

Đối với kính ngắm điện tử, nhược điểm của nó vẫn là ảnh ngắm kém chất lượng đối với những mẫu máy ảnh lâu đời và có độ chậm trễ nhất định, làm EVF bị hạn chế trong những trường hợp cần quay chụp đối tượng chuyển động nhanh.

Kính ngắm EVF còn có vấn đề lớn nhất là pin. Do hoạt động bằng pin nên nó sẽ làm tiêu hao thời lượng pin, giảm thời gian sử dụng máy và ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin.

Kết luận

Có thể thấy, mỗi loại kính ngắm EVF hay OVF đều có những ưu và nhược điểm riêng, rất khó để lựa chọn. Biết cách sử dụng loại máy ảnh có kính ngắm phù hợp trong từng trường hợp sẽ giúp bạn ngắm và lấy nét đối tượng chính xác, đem đến những bức ảnh sắc nét và đúng ý nhất.