William Ander với bức ảnh Earthrise và Joe Rosenthal với "Raising The Flag on Iwo Jima" là một số bức ảnh tiêu biểu nhất mọi thời đại. Nhưng liệu bạn có biết những bức ảnh huyền thoại này được thực hiện như thế nào. Dưới đây là một số bức ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại và những chiếc máy ảnh cổ điển đã "đóng góp công lao to lớn".
Nikon S3 - Bức ảnh “Shooting of Lee Harvey Oswald” của Robert Jackson (1963)
Vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Robert Jackson được giao nhiệm vụ đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống John F. Kennedy. Và đây cũng chính chuyến thăm này đã gây chấn động bởi sự việc Tổng thống bị Lee Harvey Oswald ám sát.
Hai ngày sau khi sự việc xảy ra, Jackson cũng được yêu cầu đến đồn cảnh sát để chụp ảnh quá trình di chuyển Oswald đến nhà tù quận.
Jackson đã sử dụng chiếc máy ảnh Nikon S3 35mm của mình và chụp lại cảnh Jack Ruby bắn Oswald trong nhà để xe của đồn cảnh sát Dallas. Ngay thời điểm bức ảnh của Jackson được chụp cũng là lúc tiếng súng vang lên. Bức ảnh cho thấy Oswald bị “tác động” bởi viên đạn, bên cạnh là thám tử Jim Leavelle - người đang hộ tống Oswald bộc lộ sự bất ngờ tột độ của mình.
Năm 1964, Jackson được trao giải Pulitzer về Nhiếp ảnh cho bức ảnh về vụ sát hại Oswald này.
Modified Hasselblad 500 EL - Bức ảnh “Earthrise” của William Anders (1968)
Earthrise là bức ảnh chụp Trái Đất và một số bề mặt của Mặt trăng được phi hành gia William Anders ghi lại từ quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 24 tháng 12 năm 1968, trong chuyến du hành cùng tàu vũ trụ Apollo 8. Bức ảnh được mô tả là tác phẩm có ảnh hưởng nhất từng được chụp.
Bức ảnh được chụp bởi một chiếc máy ảnh Hasselblad 500 EL với drive điện tử. Máy ảnh này có một vòng quan sát (sighting ring) đơn giản thay vì kính ngắm phản xạ tiêu chuẩn. Chiếc camera sử dụng một cuộn phim 70mm chứa phim Ektachrom tùy chỉnh do hãng Kodak nghiên cứu và phát triển.
Ngay trước đó, Anders đã sử dụng ống kính 250 mm chụp ảnh bề mặt mặt trăng và các hình ảnh Trái Đất mọc.
Nikon FM2 - Bức ảnh “Afghan Girl” của Steve McCurry (1984)
Nhiếp ảnh gia Steve McCurry đã chụp một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất mọi thời đại khi ở một trại tị nạn Afghanistan ở Pakistan vào năm 1984 trong Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan.
Bức ảnh được gọi là “Afghan Girl” chụp chân dung một cô bé 12 tuổi tên là Sharbat Gula. Chính đôi mắt xanh đặc biệt của cô đã thu hút sự chú ý của mọi người sau khi nó được đăng trên trang bìa của tạp chí National Geographic vào tháng 6 năm 1985.
Speed Graphic - Bức ảnh "Raising The Flag on Iwo Jima" của Joe Rosenthal (1945)
"Rising The Flag on Iwo Jima" được Joe Rosenthal chụp năm 1945 vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Bức ảnh ghi lại hình ảnh sáu người lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang giương cao lá cờ Hoa Kỳ.
Tác phẩm của Rosenthal đã trở thành biểu tượng đến mức người ta đã dựa vào bức ảnh để đúc một đài tưởng niệm bằng đồng nặng 100 tấn và in thành tem bưu chính Hoa Kỳ vào năm 1945 và 1995. Nhiếp ảnh gia Rosenthal đã chụp ảnh được bức ảnh khi lá cờ đang giương cao bằng chiếc máy ảnh Speed Graphic và sau đó in ra.
Khi nhìn thấy bức ảnh, biên tập viên của Associated Press (AP) - John Bodkin đã thốt lên "Đây là bức ảnh mọi thời đại!" và ngay lập tức chuyển hình ảnh đến trụ sở AP ở thành phố New York. Sau đó, hàng trăm tờ báo đã nhanh chóng đăng tải bức ảnh này chỉ trong vòng mười bảy tiếng rưỡi sau khi Rosenthal chụp.
50 máy ảnh khác nhau với bức ảnh “The Trinity Nuclear Test” của Berlyn Brixner (1945)
Vụ thử nghiệm hạt nhân Trinity nằm trong Dự án Manhattan, là thí nghiệm khoa học quan trọng nhất trong nền vật lý hiện đại.
Vụ nổ năm 1945 diễn ra nhanh và “chói lóa” đến mức nhiếp ảnh gia Berlyn Brixner đã phải thiết lập một dãy 50 máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc này. Các máy ảnh với các tốc độ khác nhau được bố trí cách vụ nổ 30.000 feet (khoảng hơn 9000m) để ghi lại trọn vẹn nhất.
Leica M2 - Bức ảnh “Guerrillero Heroico” của Alberto Korda (1960)
"Guerrillero Heroico" là bức ảnh về nhà cách mạng theo chủ nghĩa Mác Che Guevara do Alberto Korda chụp và giúp vị lãnh đạo trở thành một biểu tượng văn hóa. Bức ảnh được chụp vào ngày 5 tháng 3 năm 1960 tại Havana (Cuba), tại một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ La Coubre.
Bức chân dung này của Guevara chỉ là một “phiên bản đã bị cắt xén” từ hình gốc. Để chụp bức ảnh này, Korda đã sử dụng máy ảnh Leica M2 với ống kính 90mm, gắn phim Kodak Plus-X pan.
Khi đề cập về phương pháp này, Korda chia sẻ rằng “bức ảnh này không phải là sản phẩm của kiến thức hay kỹ thuật mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Graflex Speed Graphic - Bức ảnh “The Hindenburg Disaster” của Sam Shere (1937)
Sam Shere là một trong số hàng trăm phóng viên có mặt trong vụ nổ khinh khí cầu Hindenburg sau khi trở về từ chuyến vượt Đại Tây Dương. Shere sử dụng máy ảnh Graflex Speed Graphic và chụp được bức ảnh về sự xuất hiện của Hindenburg.
Khi khinh khí cầu bất ngờ bốc cháy, mặc dù rất bất ngờ nhưng anh vẫn kịp lấy máy ảnh của mình và chụp bức ảnh Hindenberg đang bốc cháy với cuộn phim cuối cùng còn lại mà anh ấy có. Vì quá vội vàng chụp ngay từ ngang thắt lưng của mình, Shere không biết bức ảnh sẽ ra sao.
Anh ấy nói: “Tôi đã có hai bức ảnh trong Speed Graphic nhưng tôi thậm chí không có thời gian để đưa lên mắt ngắm khi chụp. Tôi thật sự rất ngạc nhiên khi thấy hình ảnh mình chụp lại rõ ràng như vậy”.
Contax II - Bức ảnh “D-Day” của Robert Capa (1944)
Robert Capa đã đi cùng với binh lính Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 (hay còn được gọi là D-Day), trong đợt tấn công đầu tiên vào Bãi biển Omaha.
Anh ấy đã sử dụng hai máy ảnh Contax II gắn với ống kính 50 mm và một số cuộn phim dự phòng để tác nghiệp. Anh đã quay trở lại Vương quốc Anh trong vòng vài giờ sau đó để kịp thời hạn xuất bản cho số tiếp theo của tạp chí Life.
Graflex Super D - Bức ảnh “Migrant Mother” của Dorothea Lange (1936)
“Migrant Mother” là hình ảnh mang tính biểu tượng của cuộc Đại khủng hoảng do nhiếp ảnh gia người Mỹ Dorothea Lange chụp ở Nipomo (California) vào năm 1936. Lange đã chụp bức ảnh này bằng máy ảnh Graflex Super D.