Trong những năm gần đây, thể loại nhiếp ảnh cổ điển (Vintage) đã quay trở lại và mang đến những khung hình thú vị. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, không chỉ có máy ảnh phim mà ngay cả với các loại máy ảnh kỹ thuật số cũng có thể tái tạo chính xác màu ảnh Vintage vô cùng hoài niệm. Theo đó, với những mẹo chụp ảnh phong cách Vintage dưới đây sẽ giúp bạn chinh phục thể loại nhiếp ảnh cổ điển ngay trên chiếc máy ảnh của mình nhé.
Lựa chọn chủ đề phù hợp
Nhiếp ảnh có thể không ra đời sớm như nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng trong quãng thời gian tồn tại của mình, nó vẫn mang đến sức ảnh hưởng riêng biệt. Để tạo ra một góc nhìn cổ điền, bạn có thể lựa chọn thể hiện bằng những bức chân dung mang phong cách của những thế kỷ trước. Hoặc cho phép bản thân tham gia vào những chuyến hành trình khám phá các địa điểm lịch sử. Màu ảnh vintage sẽ tái hiện một diện mạo của quá khứ khác hoàn toàn với những bức ảnh hiện đại.
Lựa chọn bố cục khung hình
Bố cục yêu cầu sự sắp xếp của nhiều yếu tố trong một khung hình. Phần lớn không có nhiều bố cục được đề cập đến với các dạng ảnh cổ điển. Chỉ đến khi mãi về sau khi ngành công nghiệp này phát triển, người ta mới biết đến nhiều dạng sắp xếp bố cục hơn. Ở thời kỳ đầu, bố cục chỉ bao gồm các trục dọc, ngang và mặt phẳng hình ảnh song song với chủ thể. Tuy nhiên, để tạo ra một bố cục cổ điển và hoài niệm, bạn cũng có thể thử nghiệm các quy tắc bố cục như: một phần ba, quy tắc tỷ lệ vàng để thể hiện đối tượng của nhiếp ảnh.
Sử dụng màu đen trắng hoặc nâu đỏ
Hầu hết các bức ảnh mang hơi hướng vintage thường là ảnh đen trắng. Tuy nhiên điều này khiến cho bức ảnh có phần đơn điệu. Theo đó, các nhiếp ảnh gia thường sử dụng bộ lọc màu nâu đỏ làm cách phối màu phổ biến. Nó thường gắn liền với những bức ảnh đơn sắc đầu thế kỷ 20 mang tới một cái nhìn khác biệt.
Ngày nay, để điều chỉnh màu, bạn có thể thực hiện theo một trong hai cách đó là điều chỉnh màu sắc trước khi chụp hoặc sử dụng phần mềm để chỉnh sửa trong quá trình hậu kỳ. Hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số hiện đại đều cho phép bạn chuyển đổi sang màu đen trắng và nâu đỏ trực tiếp trên máy. Thông qua cài đặt cân bằng trắng, bạn có thể thêm các lớp màu vô cùng phong phú cho máy ảnh. Hoặc với các chương trình cài đặt preset có sẵn cho phần mềm Lightroom sẽ giúp bạn thực hiện biến đổi màu sắc ảnh vô cùng thú vị.
Chụp những đối tượng chuyển động
Đã có thời gian, máy ảnh có tốc độ màn trập rất chậm. Khi màn trập càng chậm thì chụp các chuyển động càng mờ cho dù đối tượng đang di chuyển theo bất kỳ cách nào. Vì thế mà để bắt được khoảnh khắc chuyển động của đối tượng một cách rõ ràng thực sự là rất khó. Tuy nhiên, tới khi công nghệ được cải thiện, máy ảnh có thể sử dụng linh hoạt hơn thì rất nhiều nhiếp ảnh gia đã thực sự thích chụp những khoảnh khắc chân thực theo các chuyển động bình thường của chủ thể.
Sáng tạo với độ sâu trường ảnh
Độ sâu trường ảnh là một thiết lập linh hoạt mà bạn có thể điều chỉnh nhằm thay đổi cảm giác về nhiếp ảnh cổ điển. Dựa vào khẩu độ rộng hay hẹp mà bạn có thể sáng tạo hơn với những bức ảnh mang phong cách cổ điển.
Điều chỉnh độ sắc nét hình ảnh
Phần lớn sự hấp dẫn của nhiếp ảnh vintage đến từ sự mềm mại của nó trong tính chất ảnh. Máy ảnh phim và ống kính cổ điển không sắc nét như các thiết bị hiện đại, hình ảnh dường như có chút mờ và không có bất kỳ sự tương phản sâu sắc nào. Điều này giúp tạo ra khung hình mang cảm giác hoài niệm một cách rõ ràng. Trong khi đó, nếu bạn dùng máy ảnh kỹ thuật số thì việc điều chỉnh giảm độ tương phản và thêm một số bộ lọc mờ về cơ bản sẽ giúp bạn có được hình ảnh mà bạn mong muốn.
Tìm hiểu và tận dụng backdrop
Để kể một câu chuyện ảnh cổ điển chân thực, ngoài đối tượng ảnh thì cũng không thể thiếu đạo cụ và kiểu dáng cho hình ảnh. Theo đó, hãy thực hiện tìm hiểu phục trang, đồ nội thất, mẫu tóc của thời kỳ mà bạn muốn tái hiện. Đồng thời tránh bất kỳ vật thể nào thuộc về thế giới hiện đại. Điều này khiến bạn phải nghiên cứu thực sự kỹ lưỡng nếu muốn thể hiện đúng tính chất và bối cảnh của một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ.
Sử dụng bộ thiết bị chụp sẵn có
Máy ảnh phim mặc dù có thể mang tới độ mềm tự nhiên cho hình ảnh nhưng hình ảnh vintage lại không thể đạt được độ phân giải cao. Các hình ảnh sẽ có xu hướng nhiễu hạt hơn khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Trong khi đó, các ống kính đi kèm hay được sử dụng nhất là tiêu cự 50mm và 35mm. Chúng có xu hướng có khẩu độ mở rộng và giúp tạo ra hình ảnh có nhiều độ tương phản.
Ngày nay, bên cạnh việc sử dụng máy ảnh phim để tạo ra màu vintage, các bạn có thể chụp bằng bất kỳ máy ảnh nào. Sau đó thực hiện điều chỉnh lại màu sắc, thêm hiệu ứng cổ điển cho ảnh nhờ vào các ứng dụng và phần mềm đặc biệt như Lightroom, Photoshop.
Sáng tạo với thiết lập phơi sáng kép
Thiết lập phơi sáng kép hoàn toàn không bị ảnh hưởng trong quá trình phát triển máy ảnh kỹ thuật số. Trên thực tế, hầu hết trên những chiếc máy ảnh ngày nay đều có tích hợp tính năng chụp độc đáo này. Phơi sáng kép cũng là một trong những phong cách thể hiện rõ góc nhìn cổ điển của hình ảnh. Thậm chí so với cách chụp phơi sáng kép vô cùng thủ công trên những chiếc máy anh phim cũ thì những chiếc máy ảnh hiện đại mang đến các thao tác đơn giản hơn rất nhiều khi chụp ảnh.
Chấp nhận sự không hoàn hảo của bức ảnh
Vẻ đẹp của nhiếp ảnh vintage đôi khi không đến từ sự hoàn hảo ở mỗi khung hình mà nó còn thể hiện khả năng ngẫu hứng của ánh sáng và bối cảnh của chủ thể. Bởi vì không gì đảm bảo hoặc chắc chắn với những cuộn phim đã và đang sử dụng. Mặc dù vậy, đôi khi với những điểm không hoàn hảo, nhiếp ảnh gia lại có dịp thấy được sự biến hóa của thể loại nhiếp ảnh này. Trong khi với máy ảnh kỹ thuật số ngày nay lại khác, nó vốn không sử dụng phim mà thay bằng cảm biến giúp ghi lại hình ảnh cực kỳ chính xác.
Tóm lại
Nhiếp ảnh cổ điển (Vintage) chỉ là một cách mà các nhiếp ảnh gia tái hiện lại quá khứ trên khung hình của mình. Mặc dù những bức ảnh cũ có vẻ ngoài khác biệt nhưng chúng đem đến cảm giác hoài niệm cho người thưởng thức.
Cho đến nay, khi máy ảnh số phát triển ngày càng mạnh mẽ, những chiếc máy phim dường như đã đi vào dĩ vãng. Nhưng không phải vì thế mà các nhiếp ảnh gia loại bỏ phong cách cổ điển này ra khỏi lĩnh vực nhiếp ảnh mà thay vào đó nó còn được ứng dụng nhiều hơn trong nhiều thể loại chụp như ảnh cưới, phóng sự, làm phim,v..v. Hy vọng bài viết trên đây sẽ mang lại những thông tin bổ ích giúp bạn chinh phục phong cách chụp này nhé.