Bạn có thể từng nghe đến kỹ thuật Motion Blur hoặc đã biết đến công cụ Motion Blur trong các phần mềm chỉnh sửa. Nhưng chính xác thì Motion Blur là gì và làm thế nào để sử dụng nó trong nhiếp ảnh. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời cho mình nhé.
Motion Blur là gì?
Motion Blur là hiện tượng tạo vệt mờ cho thấy các đối tượng đang chuyển động một cách nhanh chóng trong khi phơi sáng khung hình. Điều này không thể nhầm lẫn với hiện tượng rung máy bởi hiệu ứng tạo các chuyển động mờ của Motion Blur được trải thành các vệt dài nhằm khắc họa cảm nhận về tốc độ đối với đối tượng của ảnh.
Trong quay chụp, chuyển động mờ là một hiệu ứng phần lớn dựa vào tốc độ màn trập. Lúc này, thời gian cửa trập càng chậm, phơi sáng càng lâu, đối tượng di chuyển càng xa dẫn đến hiệu ứng mờ thành dải càng dài hơn. Ngược lại, tốc độ cửa trập càng nhanh, thời gian phơi sáng của màn trập càng ngắn thì vật thể chuyển động sẽ bắt nét rõ ràng và không thể mờ được.
Kỹ thuật chụp Motion Blur
Giảm tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập là một trong các yếu tố cần thiết để bắt được hiệu ứng Motion Blur. Theo đó, màn trập giữ vị trí quan trọng cho phép lượng ánh sáng tiến vào cảm biến. Nó thường đứng trước cảm biến và khả năng hoạt động phụ thuộc vào thông số điều chỉnh trên máy ảnh của bạn. Màn trập nhanh sẽ cho chuyển động bị đóng băng trong khi tốc độ màn trập chậm sẽ cho bạn đối tượng hình ảnh mờ hơn.
Vậy tốc độ màn trập bao nhiêu mới giúp tạo ảnh Motion Blur. Thực chất không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này bởi lẽ nó phụ thuộc vào tốc độ chuyển động của chủ thể. Đối tượng của bạn chuyển động càng chậm thì tốc độ màn trập càng chậm theo. Bạn có thể lưu ý thông số dưới đây về tốc độ màn trập đối với từng đối tượng chụp thể để đạt được hiệu ứng Motion Blur mong muốn nhé.
- Chuyển động của người đang đi bộ: Tốc độ màn trập cần đạt 1/60 hoặc thấp hơn
- Chuyển động của xe đang chạy: Tốc độ màn trập cần đạt 1/125 phụ thuộc vào tốc độ của xe
- Chuyển động của dải ánh sáng: Tốc độ màn trập cần đạt 10s hoặc lâu hơn
- Chuyển động của thác nước: Tốc độ màn trập cần đạt 1/6 hoặc thấp xuống đến 30s
Tất nhiên việc giảm tốc độ màn trập sẽ cho phép ánh sáng chạm tới cảm biến nhiều hơn. Điều này có thể dẫn tới bức ảnh bị phơi sáng quá mức. Lúc này, bạn cần lưu ý đến việc bù sáng bằng cách điều chỉnh khẩu độ, ISO hoặc sử dụng kính lọc.
Sử dụng khẩu độ nhỏ
Đầu tiên, một khẩu độ nhỏ sẽ kiểm soát, cân bằng lượng ánh sáng vào máy ảnh. Theo đó, nếu bạn càng sử dụng khẩu độ rộng thì càng nhiều ánh sáng tiến tới cảm biến, dẫn đến ảnh dư sáng thậm chí là cháy sáng. Thông số của khẩu độ được thể hiện bằng thước đo f-stops. Nếu số stops càng lớn tức là độ mở khẩu càng nhỏ và ngược lại, nếu số stops càng nhỏ tức là độ mở khẩu càng lớn. Vì thế để đạt được độ phơi sáng tốt hơn khi đã giảm tốc độ màn trập thì bạn cần tăng số stops của khẩu độ lên.
Giảm cài đặt ISO
Điểm cần lưu ý tiếp theo trong quá trình bù sáng cho ảnh chụp Motion Blur đó là điều chỉnh cài đặt ISO. Thông số ISO đại diện cho độ nhạy của cảm biến đối với ánh sáng. Nó có thể trải dài từ ISO 50 đến 204800 trong một vài mẫu máy ảnh cao cấp. Con số này càng cao tức là độ nhạy sáng của cảm biến càng cao.
Tuy nhiên, để bắt được Motion Blur, bạn cần giảm ISO về mức thấp bởi lẽ trước đó bạn đã ưu tiên giảm tốc độ màn trập rồi. Lúc này, để cân bằng độ phơi sáng, chỉ số ISO thấp sẽ giúp hình ảnh cân bằng sáng, tránh bị mất nét hình ảnh. Đặc biệt, nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng mặt trời, hãy chụp ở mức ISO 100 cơ bản.
Sử dụng bộ lọc ND
Bộ lọc là một trong những phụ kiện hữu dụng để giảm ánh sáng, phản xạ đồng thời bảo vệ ống kính khỏi các tác nhân bên ngoài. Đặc biệt, khi phơi sáng dài vào ban ngày, bộ lọc ND càng trở nên cần thiết hơn để khóa lượng ánh sáng vào máy ảnh, cho phép bạn tiếp tục phơi sáng lâu hơn mà không sợ mất nét ảnh.
Sử dụng chế độ Ưu tiên tốc độ
Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi chụp ở chế độ Manual Mode, hãy sử dụng chế độ ưu tiên tốc độ. Theo đó, lợi thế của việc sử dụng chế độ ưu tiên tốc độ chính là để kiểm soát được tốc độ màn trập của khung hình từ đó có thể tạo ra các chuyển động mờ theo ý muốn. Máy ảnh của bạn sẽ lựa chọn các thông số còn lại, cho phép bạn được độ bù sáng hoàn hảo và có thêm nhiều thời gian hơn để tập trung lấy nét cho ảnh chụp.
Chống rung máy ảnh
Trừ khi là bạn đang sử dụng kỹ thuật lia máy còn không thì ổn định máy ảnh là điều bắt buộc. Việc không làm rung máy sẽ giúp bạn loại bỏ được những phần ảnh mờ không mong muốn. Một số tính năng ổn định hình ảnh được tích hợp trong các máy ảnh kỹ thuật số cao cấp giúp quá trình phơi sáng không bị cản trở. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng chân máy, đặt máy ảnh trên bề mặt ổn định và kích hoạt từ xa để loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ rung lắc khi chụp với tốc độ màn trập thấp.
Áp dụng kỹ thuật chụp lia máy
Kỹ thuật chụp lia máy (Panning) là cách chụp khi bạn di chuyển máy ảnh trên cùng một mặt phẳng và theo chiều chuyển động của đối tượng. Nếu thực hiện đúng, chủ thể của bạn sẽ được lấy nét và hậu cảnh sẽ bị mờ. Đây là một kỹ thuật thật sự hữu ích nếu bạn muốn tạo cảm giác rằng đối tượng của bạn đang di chuyển nhanh chóng.
Do đó, đầu tiên, đối tượng của bạn phải có chuyển động rõ ràng. Để có kết quả tốt nhất, hãy định vị đối tượng sao cho chủ thể chụp đang di chuyển ở một góc vuông với bạn. Tiếp theo, bạn hãy chọn tốc độ cửa trập phù hợp. Việc chọn tốc độ màn trập phụ thuộc vào tốc độ của đối tượng và mức độ mờ bạn muốn có trong ảnh. Khi đối tượng của bạn di chuyển càng chậm thì tốc độ cửa trập của bạn sẽ càng chậm.
Cuối cùng, chụp lia máy ở chế độ lấy nét liên tục để chủ thể của bức ảnh trông rõ ràng nhất. Tất nhiên, kỹ thuật này sẽ tốn một chút thời gian để thành thạo nhưng kết quả mang lại sẽ khiến bạn rất hài lòng.
Cách loại bỏ Motion Blur không mong muốn
Trong trường hợp bạn nhận thấy, một số chủ thể chính của bức ảnh bị mờ thì có thể do tốc độ màn trập của bạn đang ở mức quá chậm. Việc bạn cần làm là tăng dần tốc độ màn trập lên và điều chỉnh các thông số khẩu độ, ISO sao cho phù hợp với độ phơi sáng để ảnh của bạn được rõ ràng và sắc nét.
Một số thể loại nên sử dụng hiệu ứng Motion Blur
Chụp ảnh đường phố
Bạn có thể sử dụng hiệu ứng Motion Blur đối với vật thể để tạo cảm xúc cho bức ảnh hoặc sử dụng tính năng này để làm mờ người đi bộ trên nhằm nhấn mạnh sự hối hả, nhộn nhịp của một khu phố đông đúc.
Chụp thác nước, suối hoặc vùng nước
Chuyển động của dòng nước có vẻ mờ ảo và mịn màng khi đặt tốc độ màn trập thật chậm để đạt hiệu quả rõ nét. Hãy thử bắt đầu với tốc độ cửa trập khoảng 1/6 nhé.
Chụp sự kiện thể thao
Đối với chụp ảnh thể thao, chụp lia máy là một kỹ thuật tốt để đảm bảo hiệu ứng Motion Blur hoàn hảo. Theo đó, kỹ thuật này được ưa chuộc khi chụp các bộ môn đòi hỏi tốc độ hoặc quá trình thi đấu của các vận động viên đem lại cảm giác chuyển động với cảnh nền mờ.
Chụp dải ánh sáng
Một điểm lưu ý là nếu tốc độ màn trập của bạn càng chậm, thời gian phơi sáng càng dài, điều này sẽ giúp cho ánh đèn tạo thành các dải ánh sáng đẹp mắt có trên khung hình. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi sử dụng quá lâu. Để chụp các dải ánh đèn bạn có thể bắt đầu với thời gian phơi sáng khoảng 10s.
Chụp thiên văn
Chụp thiên văn luôn là một thể loại hấp dẫn hầu hết các nhiếp ảnh gia bởi ánh sáng huyền ảo từ các vì sao. Theo đó, để chụp được những vệt sao dài, bạn có thể phơi sáng mỗi bức ảnh khoảng 20-30 giây rồi kết hợp chúng lại với nhau ở quá trình hậu kỳ.
Chụp chuyển động của mây
Thông thường, chụp những đám mây với tốc độ màn trập thấp có thể sử dụng trong các môi trường ảnh tĩnh. Điều này có thể được sử dụng để tạo hiệu ứng thú vị cho bức ảnh kiến trúc hoặc phong cảnh.
Chụp bất cứ thứ gì di chuyển
Cuối cùng, bạn có thể tạo ra bức ảnh mang hiệu ứng Motion Blur bằng cách trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển động và chụp cùng lúc với quá trình di chuyển đó.
Tạm kết
Như vậy, hiệu ứng làm mờ ảnh Motion Blur là cách truyền tải cảm giác chuyển động ấn tượng của bất kỳ đối tượng nào nhằm tạo ra một bức ảnh nhiều cảm xúc hơn cho người xem. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chinh phục cách chụp này nhé.