IS, VR, OIS, Optical SteadyShot, SR, VC, MEGA OIS … là những cái tên được đặt để chỉ công nghệ ổn định hình ảnh sử dụng trong mỗi hãng máy ảnh. Chúng giúp các nhiếp ảnh gia chụp ảnh tốt hơn trong điều kiện ánh sáng kém, đồng thời hỗ trợ chụp ảnh sắc nét trong nhiều trường hợp khó khăn nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều nên sử dụng Image stabilization. Vậy khi nào nên sử dụng và khi nào nên tắt tính năng chống rung này? Vùng VJShop đọc ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất cho mình nhé!
Hiểu rõ về công nghệ ổn định hình ảnh
Tùy thuộc vào kiểu dáng, kiểu máy và từng phiên bản của máy ảnh hoặc ống kính có hỗ trợ IS, tính năng ổn định hình ảnh sẽ cho phép người chụp ghi được những bức hình sáng rõ và sắc nét ở tốc độ cửa trập chậm hơn ba, bốn hoặc thậm chí năm lần so với trước đây.
Nguyên tắc chung để chụp hình cầm tay sắc nét là bạn không nên cầm máy ảnh và chụp ở tốc độ cửa trập chậm hơn độ dài tiêu cự tương đương của ống kính. Ví dụ với ống kính 500mm, bạn không nên cầm tay chụp ở tốc độ chậm hơn 1/500 giây; với ống kính 300mm sẽ là chậm hơn 1/300 giây; ống kính 50mm chậm hơn 1/50 giây và ống kính 20mm chậm hơn 1/20 giây.
Tuy nhiên, nếu có thêm tính năng ổn định hình ảnh, người dùng sẽ có thể chụp được những hình ảnh sắc nét đối với vật thể tĩnh với tốc độ cửa trập chậm hơn nhiều. Với ống kính 500mm tốc độ giảm xuống 1/60 giây, ống kính 300mm ở tốc độ xuống 1/30 giây và ống kính 20mm ở tốc độ giảm đến 1/2 giây.
Có một vấn đề, với những người mới làm quen với nhiếp ảnh, họ thường auto bật tính năng ổn định hình ảnh của máy ảnh hoặc ống kính mà không kiểm tra lại. Bởi họ nghĩ rằng, trường hợp cần tính năng này sẽ tự áp dụng. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào máy ảnh hoặc ống kính mà bạn sử dụng.
Ngoài ra, có một quan niệm sai lầm phổ biến về ổn định hình ảnh, đó là nó cho phép người chụp đóng băng các đối tượng chuyển động nhanh ở tốc độ cửa trập thấp hơn. Điều này hoàn toàn sai. Bởi tính năng ổn định hình ảnh chỉ cho phép người chụp chụp được những bức ảnh sắc nét đối với đối tượng tĩnh ở tốc độ màn trập chậm hơn. Còn đối với các đối tượng chuyển động khi bật tính năng IS chúng sẽ xuất hiện mờ hơn hoặc rung hơn và tạo thành các vệt.
Ổn định trên ống kính: Hệ thống máy ảnh và ống kính khi đứng yên
Phân loại ổn định hình ảnh
Có hai loại ổn định hình ảnh (IS): trên ống kính và trong máy ảnh. Tính năng ổn định trên ống kính sử dụng thành phần thấu kính nổi, được điều khiển bằng điện tử và dịch chuyển đối diện với bất kỳ hiện tượng rung máy nào do máy ảnh ghi lại. Hệ thống IS trong máy ảnh cũng hoạt động tương tự, nhưng sẽ thay đổi vật lý cảm biến để bù cho những chuyển động này.
Ổn định trên ống kính: Máy ảnh và hệ thống ống kính bị dịch chuyển, tạo ra hiện tượng rung máy
Ưu điểm của tính năng ổn định hình ảnh trong ống kính giúp mang lại hiệu suất mượt mà hơn khi sử dụng ống kính tiêu cự dài hơn. Còn nhược điểm của nó là không có sẵn trên tất cả các ống kính, thay vào đó nếu muốn sử dụng bạn phải mua ống kính có tích hợp IS.
Ổn định trên ống kính: Hiệu chỉnh được thực hiện bởi nhóm thấu kính IS
Ưu điểm của tính năng ổn định hình ảnh trong máy ảnh là bạn có được những lợi thế của công nghệ IS, có thể gắn với bất kỳ ống kính nào với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là khả năng làm mịn khi chụp với ống kính tiêu cự dài so với tính năng ổn định trên ống kính kém hơn.
Ổn định trên ống kính: Dịch chuyển cảm biến giúp giảm rung máy
Khi nào nên sử dụng và khi nào nên tắt IS?
Nếu máy ảnh được đặt trên chân máy mà bạn không tắt IS, có thể xảy ra nguy cơ tạo vòng phản hồi. Tức hệ thống IS của máy ảnh sẽ phát hiện độ rung của chính nó và bắt đầu di chuyển xung quanh ngay cả khi máy ảnh hoàn toàn yên tĩnh. Điều này khiến các đối tượng được chụp bị rung và mờ.
Ngược lại, nhiều hệ thống máy ảnh có các chế độ chuyên biệt cho hành động chụp lia máy. Khi đó, với những kiểu chụp mà đối tượng chuyển động liên tục từ bên này sang bên kia, người dùng nên kết hợp sử dụng tính năng IS. Tuy nhiên, có những ống kính cũ hơn không có tùy chọn này hoặc có thể hoạt động không ổn định khi lia máy, dẫn đến nhòe nhiều hơn. Trong trường hợp này, bạn nên tắt tính năng ổn định hình ảnh đi.
Ngoài ra, thêm một lý do khác mà người chụp có thể lựa chọn để tắt tính năng ổn định hình ảnh là thời lượng pin. Do công nghệ IS được điều khiển và đo lường bằng điện tử nên sẽ ngốn pin hơn. Điều này đặc biệt đúng với những chiếc lens lớn, cảm biển lớn, vì khi dịch chuyển xung quanh chúng cần nhiều năng lượng hơn.
Có thể thấy, tùy từng trường hợp và hoàn cảnh chụp khác nhau mà người chơi nên chọn bật hay tắt tính năng ổn định hình ảnh để tạo được những bức hình sắc nét nhất, cũng như tránh lạm dụng tính năng IS mà làm hỏng khung hình.