Ống kính bị mốc là một hiện tượng không còn lạ đối với dân nhiếp ảnh. Tuy nhiên, với những người mới chơi máy ảnh thì đó là một điều tương đối mới. Vậy nguyên nhân, biểu hiện cũng như tác hại mà nó gây ra cho chức năng hoạt động của lens là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về “loại bệnh” này cũng như có cách khắc phục và phòng ngừa lens bị mốc một cách tốt nhất!
Biểu hiện, tác hại và nguyên nhân lens bị mốc
Biểu hiện
Nấm và mốc trên ống kính có hình dạng rất đặc biệt. Khác hẳn so với bụi chỉ xuất hiện dưới dạng các chấm thì nấm mốc sẽ phân nhánh và có hình như những rễ tre hoặc giống như mạng lưới. Chúng được hình thành từ sự kết hợp của bụi và hơi ẩm. Nếu trong bụi có chứa bào tử nấm, khi gặp độ ẩm nó sẽ lây lan và phát triển mạnh mẽ hơn. Vì vậy hiện tượng lens bị mốc thường gặp ở những ống kính không có khả năng chống thấm nước, chống bụi nhưng thường xuyên phải hoạt động trong môi trường ẩm ướt, kém khô ráo.
Cách kiểm tra ống kính có bị nấm mốc hay không tốt nhất là mở khẩu độ ống kính hoàn toàn, sau đó chiếu ánh sáng từ điện thoại qua ống kính. Tránh nhìn thẳng vào ánh sáng, đặc biệt là với ống kính zoom, vì điều này có thể làm tổn thương mắt của bạn. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn vào mặt sau của ống kính từ một bên. Dưới ánh sáng của đèn, bụi, vết xước hay nấm mốc cũng sẽ hiển thị rõ trên ống kính.
Tác hại
Nấm và mốc nếu không phát hiện và loại bỏ kịp thời, chúng sẽ phát triển và ăn mất lớp phủ bên trong của lens. Lớp phủ này thông thường sẽ có chức năng ngăn ngừa hiện tượng flare và ghost xảy ra trên ống kính khi làm việc trong điều kiện ánh sáng mạnh hoặc ngược sáng, giúp cải thiện độ sắc nét, sống động của hình ảnh. Bên cạnh đó, các lớp phủ cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm viền màu và quang sai màu, tăng cường độ tương phản về màu sắc, mang đến những khung hình chân thực nhất. Vì vậy, nếu lớp phủ này không còn, chất lượng hình ảnh sẽ bị giảm rõ rệt, đặc biệt là trong các trường hợp chụp ngược sáng.
Nấm mốc còn khiến lens máy ảnh bị mờ, điều này sẽ khiến người chụp không quan sát được chính xác hình ảnh mình định chụp và dẫn đến kết quả chụp không như mong đợi.
Ngoài ra, nấm mốc cũng sẽ làm giảm giá trị bán lại của bất kỳ chiếc máy ảnh hay ống kính nào. Người mua chắc chắn sẽ không muốn mua một chiếc ống kính máy ảnh bị mốc với một mức giá cao, trong khi họ có thể lựa chọn mua những chiếc ống kính khác không gặp phải vấn đề này.
Nguyên nhân
Nấm mốc có thể xâm nhập vào ống kính thông qua các hạt bụi trong không khí. Kết hợp với độ ẩm và các chất lợi khuẩn có trong ống kính, nấm mốc sẽ phát triển và lan rộng nhiều hơn. Nó có thể xâm nhập sâu hơn vào nhiều nơi trong ống kính khi bạn zoom hoặc lấy nét bằng ống kính. Và hiện tượng ống kính bị mốc rễ tre là một trong những trường hợp bạn sẽ dễ gặp phải nhất.
Những môi trường có thời tiết mưa ẩm hay lạnh giá sẽ là điều kiện tốt để nấm mốc hình thành và phát triển. Vì vậy, bạn luôn phải lau sạch hơi nước và bụi đọng lại trên lens sau mỗi lần sử dụng. Đồng thời, cần bảo quản ống kính và máy ảnh trong các hộp chống ẩm chuyên dụng để ngăn ngừa hiện tượng nấm mốc này.
Cách khắc khục và vệ sinh ống kính bị mốc
Cách loại bỏ nấm, mốc trên ống kính
Khắc phục ống kính bị mốc, làm sạch và loại bỏ nấm mốc không phải là một công đoạn dễ dàng. Bạn có thể mang đến tiệm sửa chữa máy ảnh hoặc tự mình làm sạch nếu có khả năng. Có hai cách tiêu diệt nấm mốc ống kính là sử dụng tia UV và dung dịch hydrogen peroxide.
Sử dụng dung dịch hydrogen peroxide
Đối với cách xử lý ống kính bị mốc này, bạn cần tháo rời các bộ phận của lens, lưu ý không làm mất bất cứ con vít nhỏ nào. Khi làm sạch các thành phần trong lens cần đảm bảo không chà xát quá mạnh hoặc dùng dung dịch hydrogen peroxide quá mạnh. Đối với những vết nấm mốc cứng đầu, bạn có thể nhúng các bộ phận của lens vào dung dịch trong vòng nửa tiếng. Tuy nhiên, hãy nhớ làm sạch hoàn toàn dung dịch hydrogen peroxide sau đó để dung dịch không dần dần ăn mòn vào lớp phủ thấu kính của bạn.
Sử dụng tia UV để diệt nấm mốc
Tia UV hoặc tia cực tím cũng là một công cụ hữu ích để diệt nấm mốc. Các loại đèn UV bán sẵn trên thị trường thường không tạo ra dải sáng đủ thấp nên hầu như chúng không có tác dụng với vi khuẩn và nấm. Thay vào đó, bạn nên mua các đèn UV được sử dụng phổ biến trong bệnh viện hay các cơ sở y tế có phổ từ 200 - 280 nanomet (nm), thấp hơn so với đèn UV trên thị trường có phổ 365 đến 380 nm. Điều này giúp bạn vệ sinh lens bị mốc một cách hiệu quả, dễ dàng hơn.
Cách phòng ngừa nấm mốc hình thành
Nấm mốc phát triển mạnh mẽ hơn nếu gặp nước, bụi hoặc dầu từ dấu vân tay của bạn. Vì vậy để hạn chế sự hình thành và lây lan của nấm mốc, cách tốt nhất là giữ ống kính sạch sẽ và khô ráo. Nếu bạn sử dụng ống kính vào trời mưa, hãy lau thiết bị của bạn bằng khăn lau sát trùng và đảm bảo lens càng khô càng tốt. Trong quá trình lau, tránh chạm vào mặt trước và mặt sau của ống kính. Sau khi làm sạch ống kính, bạn cần bảo quản nó trong hộp chống ẩm, tủ hoặc túi chống ẩm, như vậy sẽ giúp ngăn ngừa nấm mốc hình thành một cách tối ưu.
Hi vọng với những chia sẻ trên đây về biểu hiện, tác hại, nguyên nhân và cách xử lý lens bị mốc, giúp bạn đọc biết cách bảo vệ ống kính của mình để đạt hiệu quả tốt nhất khi sử dụng.