Kỹ thuật chụp Panorama đang ngày càng phổ biến hơn với rất nhiều thể loại ảnh như phong cảnh, kiến trúc, không gian. Với sự phát triển mạnh mẽ trong giới nhiếp ảnh thời gian gần đây, nó cho phép người chụp ghi lại mọi thứ xung quanh chỉ trên một tấm hình duy nhất.
Ảnh Panorama là gì?
Panorama là ảnh chụp toàn cảnh thể hiện cái nhìn tổng thể, bao quát từ một điểm đối với khung cảnh trong nhà hoặc ngoài trời. Nó có thể được thực hiện bằng cách chụp hàng loạt khung hình rồi ghép lại với nhau bằng phần mềm đặc biệt. Hoặc trên các dòng máy kỹ thuật số hiện nay đã có tích hợp chế độ chụp Panorama giúp người dùng thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện thể loại ảnh này.
Các loại nhiếp ảnh Panorama
Có rất nhiều loại ảnh chụp Panorama, hai trong số đó trở nên rất quen thuộc với các nhiếp ảnh gia bao gồm: ảnh Panorama chụp dọc (Vertical Panorama) và ảnh Panorama chụp ngang (Horizon Panorama).
Vertical Panorama
Vertical Panorama là kỹ thuật chụp ảnh toàn cảnh theo chiều dọc. Thông thường ảnh chụp Vertical Panorama sẽ có chiều cao lớn hơn chiều rộng. Ảnh chụp Vertical Panorama sẽ thu được hầu hết các đối tượng có chiều cao với một ống kính góc hẹp. Theo đó, nó sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời khi bạn không có một ống kính siêu rộng nhưng vẫn có thể chụp chi tiết toàn cảnh đối tượng theo chiều thẳng đứng.
Horizon Panorama
Khi nhắc đến nhiếp ảnh Panorama, hình ảnh về một bức hình nằm ngang bao quát cảnh vật xung quanh liền xuất hiện ngay lập tức. Thực chất, Horizon Panorama là kỹ thuật chụp ảnh được sử dụng phổ biến nhất khi nói đến chụp ảnh toàn cảnh. Kích thước của loại ảnh này thường có chiều ngang lớn gấp đôi chiều dọc.
Ngày nay, một số nhiếp ảnh gia càng chú trọng hơn đến việc chụp những tấm hình Horizon Panorama với độ phân giải cao để phục vụ mục đích nhiếp ảnh cá nhân hoặc thương mại. Trong đó, môt số đối tượng ảnh thường được áp dụng loại kỹ thuật này như chụp cảnh biển rộng lớn, đường chân trời của các dãy núi, thành phố, không gian khách sạn, nhà hàng v..v.
Hướng dẫn chụp ảnh Panorama
Lựa chọn ống kính
Khi yêu cầu về chất lượng ảnh Panorama càng cao thì lại càng đòi hỏi những kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là sự nâng cấp về các công cụ chụp ảnh. Đối với nhiếp ảnh Panorama, một chiếc ống kính phù hợp sẽ tương ứng với nhu cầu ảnh chụp toàn cảnh của bạn.
Nếu bạn sử dụng một chiếc ống kính góc rộng, nó có thể giúp bạn chụp được hình ảnh toàn cảnh dễ dàng nhưng độ chi tiết về đối tượng có thể không đảm bảo. Trong trường hợp nếu bạn muốn chụp toàn cảnh những ngọn núi ở xa mà vẫn thu được nhiều chi tiết thì ống kính lý tưởng là ống kính zoom tele. Nó sẽ cho phép bạn tiếp cận đối tượng linh hoạt và đảm bảo độ chi tiết tốt hơn.
Lựa chọn máy ảnh
Bên cạnh việc lựa chọn ống kính phù hợp thì để ảnh chụp Panorama có chất lượng cao, người chụp còn cần lựa chọn loại máy ảnh có độ phân giải cảm biến sắc nét. Nếu sử dụng một ống kính góc rộng với trường nhìn mở thôi chưa đủ mà nên sử dụng với một máy ảnh cho phép tận dụng các góc rộng hơn nhưng không làm ảnh hưởng bởi hệ số crop. Điều đó cho thấy, máy ảnh full frame chắc chắn là sự lựa chọn hợp lý để chụp ảnh toàn cảnh hơn là máy ảnh crop.
Chụp thử vài tấm ảnh
Để có thể kiểm soát được các cài đặt phơi sáng chính xác, trước hết bạn có thể chụp thử một vài tấm ảnh để kiểm tra độ sáng, tối cũng như độ sắc nét ở tiền cảnh và hậu cảnh. Đồng thời, khi bạn xác định cài đặt phơi sáng, hãy chuyển sang chế độ ưu tiên khẩu độ, đặt khẩu độ ở f/11 rồi chụp thử ở nơi sáng nhất của cảnh. Sau đó, hãy xem lại ảnh chụp thử xem có đủ độ sắc nét chưa, nếu không hãy thử tăng giá trị khẩu độ lên f/16.
Trong trường hợp các chi tiết ảnh bị phơi sáng quá mức, bạn hãy cân nhắc đến các lựa chọn như tăng tốc độ cửa trập lên, điều chỉnh giảm cài đặt bù phơi sáng của máy hoặc cài đặt giảm ISO. Hãy thao tác chỉnh lần lượt cho đến khi bạn hài lòng với ảnh chụp thử nghiệm.
Chụp với định dạng RAW
Ảnh RAW không giống với định dạng JPEG, nó không có khả năng nén hình ảnh và cũng không có bất kỳ điều chỉnh hình ảnh nào về màu sắc hay độ bão hòa màu. Ảnh RAW cũng cung cấp cho bạn nhiều tùy chọn chỉnh sửa hơn khi làm việc với hình ảnh. Do đó, hãy luôn lưu ý chụp ảnh toàn cảnh ở định dạng RAW thay vì JPEG bởi vì nó cho phép bạn linh hoạt khi xử lý ảnh hậu kỳ.
Điều chỉnh độ phơi sáng
Trong chụp ảnh toàn cảnh, có rất nhiều yếu tố tham gia vào khung hình. Tuy nhiên, khi hiểu về các cài đặt máy cơ bản cho phép bạn làm chủ được máy ảnh. Để đạt hiệu quả về mặt hình ảnh, bạn cần học cách điều chỉnh độ phơi sáng, cân bằng trắng và các cài đặt khác để đảm bảo có một bức ảnh đẹp. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong bức ảnh chụp toàn cảnh đó là ánh sáng. Trên máy ảnh điều này có thể được đề cập qua độ phơi sáng. Trong đó, độ phơi sáng phù hợp sẽ giúp hình ảnh có các góc độ sáng, tối ấn tượng hơn.
Thiết lập chế độ Manual
Khi cài đặt máy ảnh ở chế độ chụp thủ công, bạn có thể chủ động điều chỉnh các thông số thiết lập ánh sáng cần thiết cho hình ảnh. Lúc này, để đảm bảo các giá trị khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO không tự động thay đổi, bạn chỉ cần thiết lập các thông số cài đặt phù hợp với kết quả thử nghiệm với ánh sáng môi trường nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Khẩu độ
Thông thường, khẩu độ lý tưởng với một bức ảnh toàn cảnh phụ thuộc vào phần lớn vào ống kính bạn sử dụng. Bạn sẽ cần độ sâu trường ảnh sâu để cho phép người xem nhìn thấy các chi tiết của phong cảnh trên toàn bộ khung hình. Do đó, bạn nên khép khẩu độ để chắc rằng bạn sẽ có thể phơi sáng hình ảnh chi tiết khi thực hiện di chuyển máy ảnh.
Cân bằng trắng
Điều quan trọng của cân bằng trắng chính là cách bạn lựa chọn điều chỉnh sắc độ ấm hoặc lạnh cho hình ảnh. Điều này dẫn đến việc ảnh chụp sẽ có màu sắc khác biệt so với thực tế. Thông thường, với trường hợp thiết lập cân bằng trắng auto, máy ảnh của bạn sẽ tự động điều chỉnh tông màu cho hình ảnh. Tuy nhiên, còn tùy thuộc từng điều kiện ánh sáng của môi trường mà bạn có thể lựa chọn điều chỉnh cân bằng trắng theo ý muốn. Điều này giúp bức ảnh của bạn có được đúng sắc độ mà bạn mong muốn.
Sử dụng chân máy
Sử dụng chân máy trong nhiếp ảnh Panorama là điều không thể thiếu. Đặc biệt là khi chụp ảnh toàn cảnh. Theo đó, trong thể loại này, việc chụp nhiều khung hình cùng lúc có thể làm giảm chất lượng ảnh do bị ảnh hưởng bởi chuyển động của máy ảnh. Thực tế chỉ một vài mm dịch chuyển cũng có thể tạo sự khác biệt đáng kể làm cho ảnh bị mờ. Vì vậy, bạn nên có một chân máy vững chắc giúp đạt được hiệu quả ảnh chụp tốt nhất.
Kết luận
Mặc dù ngày nay trên các dòng máy kỹ thuật số hiện đại đã hỗ trợ chế độ chụp Panorama rất thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên bạn vẫn cần hiểu những kỹ thuật thiết lập đơn giản để có thể tạo ra ảnh chụp ưng ý nhất khi sử dụng máy ảnh hoặc các thiết bị quay chụp khác. Như vậy, hy vọng bài viết trên đây có thể cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn chinh phục thể loại ảnh thú vị này nhé.