Skip to content

VJShop.vn

Nói về định dạng hình ảnh, có hai loại tệp định dạng chính mà bạn cần lưu ý đó là: RAW và JPEG. Một số nhiếp ảnh gia đưa ra ý kiến cho rằng nên chụp ở định dạng RAW trong khi số khác lại nghiêng về định dạng JPEG.

Vậy để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ phân biệt các điểm khác nhau cơ bản nhất giữa hai loại định dạng này để giúp bạn có thể lựa chọn định dạng phù hợp với tệp ảnh của mình nhé. 

Có hai loại tệp định dạng chính là RAW và JPEG

Tệp RAW là gì?

Ảnh RAW hay còn được gọi là ảnh âm bản kỹ thuật số. Đây là tệp hình ảnh chứa dữ liệu chưa được xử lý hoặc xử lý tối thiểu từ cảm biến của máy ảnh kỹ thuật số. Các tệp Raw thường có kích thước lớn vì nó chứa dữ liệu hình ảnh chi tiết đầy đủ nhất để có thể chỉnh sửa theo sở thích của người dùng. 

Tệp RAW là tệp chứa tất cả thông tin được cảm biến của máy ảnh ghi lại trong quá trình phơi sáng. Máy ảnh lúc này sẽ không nén hoặc xử lý tệp ảnh này. Điều đó có nghĩa là không có chi tiết nào trong hình ảnh bị loại bỏ. Do đó, nó mang đến một tệp hình ảnh chất lượng cao. Trên thực tế, tệp RAW có những lợi thế nhất định vì có thể hỗ trợ người chụp trong quá trình hậu kỳ ảnh.

Tệp RAW có khả năng xử lý tối đa dữ liệu hình ảnh

Tệp JPEG là gì?

Ngược lại với tệp RAW, JPEG là tệp đã được nén bởi máy ảnh của bạn. Nó không chứa đầy đủ thông tin được cảm biến máy ảnh ghi lại trong quá trình phơi sáng. Theo đó, JPEG là định dạng hình ảnh sử dụng tính năng nén dữ liệu để lưu trữ và hiển thị hình ảnh kỹ thuật số. Nhờ hiệu quả nén cao, đây là định dạng ảnh được dùng phổ biến nhất hiện nay. 

Tệp JPEG xử lý tối ưu hình ảnh bằng cách nén dữ liệu

Sự khác nhau giữa tệp ảnh RAW và JPEG

Sau khi đã hiểu hơn về khái niệm của hai tệp ảnh RAW và JPEG, các bạn có thể phân biệt rõ hơn sự ảnh hưởng của hai tệp ảnh này lên màu sắc, độ chi tiết, sắc nét của bức ảnh bằng một vài điểm dưới đây nhé. 

Độ phơi sáng

Khi sử dụng tệp JPEG, thông tin trong các vùng sáng nhất và tối nhất của hình ảnh sẽ bị mất khi chụp thiếu sáng hoặc dư sáng. Theo đó, chi tiết ở những vùng này không thể khôi phục được. Nhưng đây không thực sự là vấn đề trở ngại đối với tệp RAW. 

Có lẽ lợi ích lớn nhất khi chụp ở định dạng RAW là máy ảnh của bạn có thể ghi lại hoàn toàn dữ liệu mà nó nhận được từ cảm biến của máy ảnh. Với định dạng RAW, tệp hình ảnh được lưu trữ có thể xử lý chi tiết tốt hơn đem lại hình ảnh với chất lượng cao hơn.

So sánh chi tiết ảnh giữa tệp RAW và JPEG

Cân bằng trắng

Cân bằng trắng của tệp RAW có thể dễ dàng điều chỉnh. Điều này không chỉ cho phép hiệu chỉnh cân bằng trắng không mong muốn mà còn cho phép tạo ra vô số tùy chọn sáng tạo trong quá trình xử lý hậu kỳ. Ngược lại tệp JPEG có cân bằng trắng được thiết lập trước nên rất khó điều chỉnh. Do đó mà khả năng kiểm soát màu sắc trong hình ảnh trên tệp JPEG cũng hạn chế hơn. 

So sánh mức cân bằng trắng giữa tệp RAW và JPEG

Độ chói

Một lợi ích khác cần được nói đến là loại tệp RAW có thể cung cấp cho các nhiếp ảnh gia khả năng nâng tông màu trong hình ảnh nhờ độ sâu bit là 12 bit hoặc 16 bit. So với hình ảnh JPEG chỉ có thể có tối đa 8 bit thì khả năng lưu trữ màu sắc trong hình ảnh của tệp RAW rõ ràng và chính xác hơn. 

Các giải độ sâu màu từ 4 bit đến 16bit

Độ tương phản

Tệp RAW có độ tương phản và độ bão hòa thấp hơn hình ảnh bạn thấy trên màn hình trên máy ảnh. Điều này là do các nhà sản xuất máy ảnh đã giả định rằng bạn sẽ xử lý tệp ảnh RAW trên các phần mềm chỉnh sửa sau này. Trong khi đó, các tệp JPEG xuất hiện với độ bão hòa và độ tương phản cao hơn nên tệp JPEG thường ứng dụng cho người dùng thích hình ảnh trực tiếp mà không cần hậu kỳ. 

So sánh độ tương phản giữa tệp RAW và JPEG

Dải tần nhạy sáng - Dynamic Range

Các tệp RAW có dải màu động rất cao và gam màu rộng hơn so với ảnh JPEG. Để phục hồi vùng sáng và vùng tối khi hình ảnh hoặc các phần của ảnh bị thiếu sáng hoặc dư sáng thì ảnh RAW có khả năng phục hồi tốt hơn ảnh JPEG. 

Điều này đương nhiên giúp ích rất nhiều trong quá trình hậu kỳ để chỉnh sửa các bức ảnh lỡ phơi sáng hoặc thiếu sáng quá nhiều. Đồng thời nó cũng hữu ích nếu bạn chụp trong một môi trường mà bạn không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát được ánh sáng. 

So sánh dải động Dynamic Range giữa tệp RAW và JPEG

Độ sắc nét

Một tính năng đáng chú ý của tệp JPEG là sự xuất hiện của độ sắc nét. Tệp JPEG thường xuất hiện hình ảnh sắc nét hơn tệp RAW. Độ sắc nét nhìn thấy trong tệp JPEG là kết quả của hệ thống xử lý trong máy ảnh của bạn. Trong khi đó, ảnh RAW lại không thực hiện bất kì quá trình xử lý nào để tạo độ sắc nét. Điều này có nghĩa là bạn cần sử dụng các thuật toán trên phần mềm chỉnh sửa để làm sắc nét hơn cho ảnh của mình. 

So sánh độ sắc nét giữa tệp RAW và JPEG

Khả năng hậu kỳ

Khi xử lý tệp RAW, tệp gốc sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp. Về cơ bản, tệp RAW bạn đang chỉnh sửa là tệp tham chiếu. Trong khi nếu xử lý tệp JPEG, bạn sẽ bị giảm chất lượng trong các thao tác xử lý hình ảnh. Theo đó, việc giảm chất lượng ảnh sẽ xảy ra mỗi khi mở, chỉnh sửa hoặc lưu tệp JPEG. 

So sánh khả năng hậu kỳ giữa tệp RAW và JPEG

Kích thước tệp

Giống như tệp JPEG, tệp RAW cũng có dung lượng nhất định. Thông thường các tệp RAW sẽ giữ lại nhiều chi tiết ảnh nên chúng không được nén lại như tệp JPEG. Do đó, tệp RAW đương nhiên lớn hơn đáng kể so với tệp JPEG. Vì vậy khi chụp ở định dạng RAW bạn cần một không gian lưu trữ cho bộ nhớ lớn hớn, cùng các thông số kỹ thuật của máy tốt hơn để có thể xử lý tệp ảnh này.

Tệp RAW lưu nhiều chi tiết ảnh nên kích thước tệp nặng hơn JPEG

Tạm kết

Tệp RAW sẽ mang đến những lợi thế về khả năng lưu trữ dữ liệu hình ảnh, khả năng kiểm soát hiển thị màu sắc, tái hiện màu sắc chân thực với dải động lớn và hỗ trợ tối đa trong quá trình hậu kỳ. Trong khi đó, tệp JPEG lại mang đến hình ảnh có thể sử dụng trực tiếp sau khi chụp, linh hoạt, dễ sử dụng, dung lượng ảnh thấp không làm chậm camera và sao lưu hình ảnh nhanh. 

Như vậy, tệp RAW sẽ phù hợp với người chụp ảnh chuyên nghiệp, có yêu cầu cao về chất lượng màu sắc và chi tiết hình ảnh. Còn tệp JPEG có thể sử dụng dùng cho người mới, người không chuyên hoặc các thể loại chụp đường phố, phong cảnh không đòi hỏi quá nhiều chi tiết mà vẫn mang lại độ sắc nét cần thiết cho hình ảnh.