Skip to content

VJShop.vn

Ngày nay, hầu hết mọi máy ảnh có ống kính tích hợp đều sở hữu khả năng zoom trên đó. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại zoom đều giống nhau. Cơ chế hoạt động và chất lượng zoom mà mỗi loại mang lại là hoàn toàn khác nhau. Hiện có hai công nghệ zoom chính được sử dụng: Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số. Cùng VJShop tìm hiểu zoom ảnh là gì và xem xét hai kỹ thuật zoom phổ biến có gì khác nhau nhé!

Tóm tắt nội dung:

  1. Zoom ảnh là gì?
  2. Khái niệm zoom kỹ thuật số và zoom quang học là gì?
    1. Zoom kỹ thuật số (Digital Zoom) là gì?
    2. Zoom quang học (Optical Zoom) là gì?
  3. So sánh Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số
    1. Cơ chế hoạt động
    2. Chất lượng zoom
    3. Khả năng thu phóng
    4. Thời gian lấy nét
    5. Thời gian zoom 
    6. Mức độ phổ biến

Zoom ảnh là gì?

Zoom là thuật ngữ trong nhiếp ảnh dùng để chỉ khả năng phóng to hoặc thu nhỏ kích thước ảnh. Chỉ với 1 điểm đứng duy nhất, bạn có thể phóng to ống kính để tiến đến gần đối tượng cần chụp hoặc thu nhỏ lại để lấy cả cảnh vật xunh quanh. Tính năng này cho phép các nhiếp ảnh gia có thể tiếp cận các chủ thể để ghi lại hình ảnh một cách dễ dàng hơn, đặc biệt hữu ích trong việc chụp ảnh phong cảnh, động vật hoang dã.

Khái niệm zoom kỹ thuật số và zoom quang học là gì?

Zoom kỹ thuật số (Digital Zoom) là gì?

Zoom kỹ thuật số là một hình thức phóng to hoặc thu nhỏ hình ảnh hoàn toàn bằng điện tử và không sử dụng đến các yếu tố cơ học hay bất cứ chuyển động nào bên trong máy ảnh. Việc phu phóng duy nhất diễn ra nằm trong phần mềm và quá trình xử lý của máy ảnh, khi đó máy ảnh sẽ thực hiện cắt để phóng to hoặc ngược lại để thu nhỏ hình ảnh.

sự khác nhau giữa Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số

Zoom quang học (Optical Zoom) là gì?

Zoom quang học là hình thức zoom dựa trên sự dịch chuyển của các thành phần thấu kính bên trong ống kính đem đến khả năng phóng to hay thu nhỏ hình ảnh. Khi chúng ta sử dụng zoom quang học sẽ có một vài thay đổi cơ học trong ống kính làm thay đổi tiêu cự máy ảnh, giúp hình ảnh zoom lên rõ nét. 

Trước đây, các nhiếp ảnh gia luôn coi hình thức zoom này là cách tốt nhất để thu phóng một bức ảnh. Tuy nhiên, do cơ chế hoạt động của zoom quang học có sự chuyển động của các thấu kính bên trong nên luôn làm cho ống kính trở nên lớn hơn, cấu trúc phức tạp hơn và trong một số trường hợp hình ảnh vẫn không được sắc nét cho lắm. Việc quyết định sử dụng Zoom quang học, Zoom kỹ thuật số hay cả hai loại zoom này còn tùy thuộc vào từng tình huống và mục đích sử dụng.

Sử dụng Zoom quang học hay Zoom kỹ thuật số phụ thuộc vào mục đích

So sánh Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số

Cơ chế hoạt động

Hai công nghệ zoom này hoạt động hoàn toàn khác nhau. Một bên là zoom dựa trên sự dịch chuyển bên trong ống kính quang học (zoom quang học), một bên là zoom dựa trên thuật toán thu phóng kỹ thuật số (zoom kỹ thuật số). Về cơ bản, quá trình zoom quang học sẽ phức tạp hơn nhiều so với zoom kỹ thuật số. 

Chất lượng zoom

Chất lượng hình ảnh sau khi zoom của hai kỹ thuật zoom này cũng rất khác nhau. Zoom quang học cho chất lượng hình ảnh phóng to hay thu nhỏ đều rất sắc nét, không bị vỡ ảnh hay mờ nhòe nhờ cơ chế di chuyển thấu kính bên trong, dẫn đến thay đổi tiêu cự, giúp camera có khả năng nhìn xa hơn, hình ảnh hiển thị rõ nét hơn. 

Trong khi đó, chất lượng hình ảnh khi zoom kỹ thuật số có khả năng bị mất nét, vỡ hình khi phóng to do cơ chế cắt ảnh để tạo ảnh phóng to “giả”. Hoặc với một số ống kính, thuật toán zoom kỹ thuật số sẽ bổ sung thêm điểm ảnh để giữ nhiều chi tiết hơn, tuy nhiên bức ảnh sau khi phóng to vẫn không thật sự nét.

Chất lượng hình ảnh Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số

Tóm lại, với zoom quang học, máy ảnh có thể cho chất lượng hình ảnh cao ở bất kỳ độ dài tiêu cự nào, dù là góc rộng hay tele. Còn với tính năng zoom kỹ thuật số, máy ảnh sẽ cho chất lượng hình ảnh tốt nhất ở tiêu cự rộng nhất và "zoom" sẽ chỉ tương đương với việc cắt ảnh từ góc rộng nhất đó ra mà thôi.

Khả năng thu phóng

Zoom kỹ thuật số sử dụng các thuật toán nên đem đến khả năng thu phóng với độ phóng đại lớn hơn nhiều so với zoom quang học. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh sau khi zoom bị giảm đi rất nhiều so với hình ảnh gốc trước đó. Ngược lại, zoom quang học tuy có độ phóng đại nhỏ hơn nhưng chất lượng sau zoom của nó hầu như không bị giảm so với ban đầu.

Thời gian lấy nét

Khi thực hiện zoom quang học, các thấu kính bên trong lens dịch chuyển, do đó cũng cần thời gian để tiêu cự cũng thay đổi theo, dẫn đến thời gian lấy nét lâu hơn. Còn đối với hình thức zoom kỹ thuật số, do không mất thời gian thay đổi bất cứ chuyển động gì trong máy ảnh nên thời gian lấy nét của nó luôn diễn ra rất nhanh.

so sánh Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số

Thời gian zoom 

Thời gian để nhìn rõ hình ảnh sau khi zoom của máy ảnh sử dụng zoom quang học lâu hơn zoom kỹ thuật số bởi một bên là do cấu tạo cơ, một bên là xử lý bằng thuật toán.

Mức độ phổ biến

Mặc dù zoom quang học cho chất lượng hình ảnh thu phóng tốt hơn, sắc nét hơn nhưng chi phí để làm ra nó cũng cao hơn so với zoom kỹ thuật số. Ngoài ra, các ống kính sử dụng zoom quang học luôn có kích thước lớn hơn nên đôi khi cũng gây bất tiện quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, công nghệ zoom kỹ thuật số đang được cải thiện ngày càng tốt hơn. Với các thuật toán ngày càng phát triển giúp cho công nghệ làm sắc nét ấn tượng hơn, việc sử dụng zoom kỹ thuật số là quá đủ để chụp những bức hình đẹp và chia sẻ lên Instagram, Facebook, Youtube hoặc các trang mạng xã hội khác.

hình ảnh Zoom quang học và Zoom kỹ thuật số

Có thể thấy, mỗi công nghệ zoom đều có những ưu và nhược điểm riêng. Zoom kỹ thuật số phổ biến hơn bởi có giá thành rẻ hơn, kích thước thu phóng cũng lớn hơn, dễ dàng cập nhật và nâng cấp do sử dụng thông qua phần mềm nhưng lại cho chất lượng ảnh sau zoom ở mức tối đa không được tốt. Ngược lại, zoom quang học cho chất lượng ảnh zoom giữ nguyên so với ban đầu nhưng lại có giá thành cao, kích thước thu phóng thấp hơn, đặc biệt khó cập nhật và nâng cấp bởi phải thay đổi cấu tạo vật lý bên trong. 

Bởi vậy, tùy vào tình huống, mục đích sử dụng cũng như điều kiện về tài chính, người dùng có thể cân nhắc lựa chọn một chiếc máy ảnh có công nghệ zoom phù hợp với bản thân.