Skip to content

VJShop.vn

Chiều sâu và kích thước trong bất kỳ hình ảnh nào cũng tạo thêm hứng thú cho người xem. Điều đó được tạo nên từ không gian ảnh bao gồm ba yếu tố cơ bản là tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Theo đó, chúng thường được sử dụng để diễn tả cách hoạt động trong bối cảnh của khung hình. Vậy để hiểu hơn về khái niệm cũng như cách sử dụng các loại phối cảnh này, bạn có thể tham khảo ở bài viết dưới đây nhé. 

Tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh là gì

Các khái niệm về tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh thường áp dụng cho nhiều dự án 2-D như chụp ảnh tĩnh vật, chụp ảnh phong cảnh,v..v. Trong đó, tiền cảnh là phần hình ảnh gần máy ảnh nhất. Trong khi vùng ở xa máy ảnh hơn sẽ là phần hậu cảnh. Còn lại vùng nằm ở giữa tiền cảnh và hậu cảnh sẽ được gọi là trung cảnh. 

Về cơ bản, trên một bức ảnh có chứa không gian, chúng sẽ chia các cảnh quan thành mặt phẳng khác nhau và xác định đâu là tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh nhằm tạo cảm giác có chiều sâu cho hình ảnh. Thông qua các lớp này, người xem và các nhiếp ảnh gia có thể tưởng tượng ra các phối cảnh không gian của ảnh chụp. Theo đó, bạn có thể đặt đối tượng chính vào khu vực giữa hình ảnh rồi thêm các yếu tố khác vào tiền cảnh và hậu cảnh. Điều này sẽ làm cho hình ảnh trở nên hấp dẫn và bắt mắt hơn. 

Tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh là gì

Cách sử dụng tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh

Việc sử dụng các yếu tố tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh sẽ là điều cần thiết vì bạn cần lấp đầy những khoảng trống không cần thiết có trong ảnh. Theo đó bằng cách sử dụng các kỹ thuật phù hợp, bạn có thể tạo ra hình ảnh cân đối và tập trung vào chủ thể hơn. 

Sử dụng kỹ thuật tỷ lệ 1/3

Đây là một trong những kỹ thuật ưa thích của các nhiếp ảnh gia. Quy tắc một phần ba hoạt động bằng cách chia khung hình thành 9 ô vuông bằng nhau bởi hai hàng dọc và hai hàng ngang trên hình ảnh. Theo đó, bạn có thể đặt phần quan trọng nhất của hình ảnh ở một trong các điểm giao nhau của các đường thẳng. Khi kết hợp quy tắc tỷ lệ 1/3 vào khái niệm tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh, bạn cũng có thể củng cố thêm bố cục của hình ảnh một cách mạnh mẽ. 

Sử dụng kỹ thuật tỷ lệ 1/3 kết hợp với phối cảnh

Sử dụng kỹ thuật đường dẫn

Mục đích của việc sử dụng các đường dẫn trong hình ảnh giúp người xem tập trung dần vào chủ thể của ảnh chụp. Các nhiếp ảnh gia có thể vận dụng linh hoạt các yếu đố đường dẫn phổ biến như: đường, cột điện hoặc thậm chí là các tòa nhà để thử nghiệm các phối cảnh phù hợp. Những điều này hướng mắt người xem đến chủ thể chính. 

tiền cảnh trung cảnh hậu cảnh và kỹ thuật đường dẫn

Sử dụng kỹ thuật sáng tạo khung hình

Nhằm tạo ra một khung hình sáng tạo, kỹ thuật chụp ảnh đơn giản này giúp bạn xác định chủ thể và nâng cao tầm quan trọng của nó đối với ảnh. Khung hình đóng vai trò đóng khung đối tượng, cho phép ánh nhìn của người xem tập trung hơn. Khi kết hợp với ba vùng tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh, nó tạo ra sự khác biệt và ngăn cách rõ ràng với chủ thể. Các thể loại ảnh kiến trúc, thiên nhiên, màu sắc, kết cấu, ánh sáng và bóng đổ, phản chiếu, con người và vật thể sẽ rất tuyệt vời để tạo thêm chiều sâu và các lớp hình ảnh. 

Sử dụng kỹ thuật sáng tạo khung hình

Sử dụng kỹ thuật thu hẹp khẩu độ

Hầu hết các nhiếp ảnh gia phong cảnh sẽ luôn chụp ảnh ở khẩu độ hẹp ít nhất là f/8 trở lên. Điều này giúp người chụp kiểm soát tốt hơn các yếu tố tiền cảnh và hậu cảnh thay vì chỉ tập trung vào yếu tố trung cảnh như trên các ống kính có khẩu độ rộng. Theo đó, sử dụng kỹ thuật thu hẹp khẩu độ cho phép tất cả các yếu tố trong khung trở nên sắc nét. Trong đó, các lớp tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh đều có thể lấy nét rõ ràng hơn. 

Ví dụ hai hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt rõ tác dụng của kỹ thuật thu hẹp khẩu độ. Với phần hình ảnh bên trái được tạo ra với khẩu độ rộng, những bông hoa ở tiên cảnh được lấy nét nhưng phần còn lại của hình ảnh bị mờ. Trong khi đó, hình ảnh bên phải sử dụng khẩu độ hẹp, phần mặt đất và hậu cảnh ở giữa được giữ lấy nét và phần còn lại của hình ảnh bị mờ. 

Sử dụng kỹ thuật thu hẹp khẩu độ

Tạm kết

Bởi vì hình ảnh có chiều sâu sẽ khiến bức ảnh trở nên thú vị hơn nhiều nên tạo sự khác biệt giữa tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh trong nhiếp ảnh là cách tốt nhất để thêm vào các yếu tố thú vị cho hình ảnh. Bên cạnh đó, đây cũng là cách hay để bạn luyện tập sự sáng tạo với mỗi cảnh chụp. Điều này sẽ giúp người xem chú ý đến bức hình được lâu hơn. Hy vọng bài viết trên sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho các bạn nhé.