Chụp ảnh hồng ngoại hay còn gọi là “IR” mang đến các hiệu ứng màu sắc thú vị, kích thích sự sáng tạo của các nhiếp ảnh gia. Ở thời của nhiếp ảnh phim, việc chụp ảnh hồng ngoại còn rất phức tạp, tốn kém và thường không cho kết quả tuyệt vời. Nhưng giờ đây, máy ảnh kỹ thuật số đã khắc phục hoàn toàn được điều đó. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chân máy, bộ lọc IR và bất kỳ máy ảnh nào nhạy với ánh sáng hồng ngoại. Cùng với một vài bước đơn giản, bạn sẽ có ngay những bức ảnh hồng ngoại ấn tượng nhất.
Tìm hiểu về nhiếp ảnh hồng ngoại
Mắt người chúng ta chỉ nhìn thấy được dải ánh sáng có bước sóng trong khoảng 400 đến 750nm. Nằm ngoài dải sáng này là tia hồng ngoại và tia cực tím, mắt thường không thể nhìn thấy được. Trong đó, ánh sáng hồng ngoại có bước sóng từ 750 đến 1000nm (lớn hơn bước sóng mắt người nhìn thấy). Sử dụng thiết bị đọc được loại ánh sáng này, bạn sẽ chụp được những bức ảnh hồng ngoại đặc biệt.
Như vậy, nhiếp ảnh hồng ngoại chính là việc thu nhận bước sóng hồng ngoại nằm ngoài phạm vi mắt người nhìn thấy và tạo ra những hình ảnh có màu sắc khác thường.
Ánh sáng hồng ngoại phản xạ tạo ra một loạt những hiệu ứng siêu thực hấp dẫn. Những vật có sự sống sẽ phản xạ lượng ánh sáng hồng ngoại lớn hơn. Ví dụ như những tán lá, đám cỏ, làn da. Khi đó, những vật thể này sẽ hiển thị với màu sắc trắng nhất trong bức ảnh của bạn. Ngược lại, những vật vô tri như hòn đá, bê tông, ngọn núi, hồ nước hay bầu trời có xu hướng hấp thụ ánh sáng hồng ngoại nên sẽ xuất hiện với màu sắc tối hơn trong ảnh.
Các thiết bị cần có để chụp ảnh hồng ngoại
Bộ lọc IR
Bộ lọc hồng ngoại là một thiết bị dễ kiếm và ít tốn kém nhất giúp bạn bắt đầu chụp những bức ảnh hồng ngoại đầu tiên của mình. IR Filter cho phép ánh sáng hồng ngoại chạm vào cảm biến của máy ảnh, đồng thời ngăn ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy đi vào camera. Tuy nhiên, sử dụng kính lọc IR bạn sẽ không nhìn được hình ảnh trước khi chụp. Thay vào đó, với mỗi lần chụp bạn sẽ phải căn và lấy nét cho khung hình trước. Đây được coi là một hạn chế lớn của phương pháp này.
Biến máy ảnh DSLR thành thân máy ảnh hồng ngoại chuyên dụng
Ngoài việc sử dụng bộ lọc IR để chụp ảnh hồng ngoại, bạn cũng có thể chuyển đổi máy ảnh DSLR thành một thân máy ảnh hồng ngoại chuyên dụng. Bằng việc bỏ bộ lọc chặn IR ở phía trước cảm biến máy ảnh và thay thế bằng bộ lọc chỉ cho phép ánh sáng IR đi qua. Tuy nhiên thực hiện phương pháp này sẽ phức tạp và tốn kém hơn so với việc mua bộ lọc IR cho ống kính bên trên.
Sử dụng film IR
Với xu hướng chụp ảnh bằng phim đang gia tăng trở lại, phim hồng ngoại cũng có sẵn và rẻ hơn. Tuy nhiên, việc bảo quản và tráng phim không đơn giản và bạn sẽ cần tìm nơi có khả năng xử lý tia hồng ngoại.
Hướng dẫn cách chụp ảnh hồng ngoại đơn giản
Để tạo những bức ảnh hồng ngoại siêu thực, người chụp cần thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Kiểm tra máy ảnh của bạn
Trước khi đi mua bộ lọc IR, bạn cần kiểm tra máy ảnh của mình có nhạy với ánh sáng hồng ngoại hay không. Bởi không phải tất cả các cảm biến của máy ảnh kỹ thuật số nào cũng đều có thể “nhìn thấy” ánh sáng hồng ngoại.
Để kiểm tra, hãy lấy điều khiển TV hoặc đầu đĩa DVD. Ấn bất kỳ nút nào trên điều khiển để phát tín hiệu hồng ngoại. Nếu nhìn qua màn hình LCD thấy bóng đèn sáng lên, tức máy ảnh của bạn phát hiện được tia hồng ngoại. Nếu ánh sáng bạn nhìn được càng trắng và sáng thì camera của bạn càng nhạy với tia hồng ngoại.
Bước 2: Sử dụng Tripod và bộ lọc hồng ngoại
Chân máy sẽ giúp bạn chụp ảnh sắc nét vì thời gian phơi sáng của bạn sẽ khá lâu. Bộ lọc IR sẽ chặn hầu hết ánh sáng nhìn thấy được đến cảm biến máy ảnh nhưng sẽ cho phép ánh sáng hồng ngoại đi qua.
Bước 3: Cài đặt máy ảnh
Vì bộ lọc hồng ngoại chặn hầu hết ánh sáng nhìn thấy, nên thời gian phơi sáng sẽ khá lâu. Bạn sẽ phải điều chỉnh cài đặt máy ảnh để đảm bảo có được độ phơi sáng tốt nhất, đồng thời giữ độ nhiễu ở mức tối thiểu. Đặt máy ảnh lên tripod và thực hiện các điều chỉnh sau:
- Đặt ISO từ 200 đến 400, giữ ở mức thấp nhất có thể
- Bật giảm noise khi phơi sáng lâu
- Đặt máy ảnh chụp ở chế độ RAW
- Đặt máy ảnh thành Ưu tiên khẩu độ (chế độ Av trên Canon) và khẩu độ ở khoảng f/8 để có độ sắc nét tối đa
- Nếu máy ảnh có chế độ phơi sáng tự động, hãy đặt chế độ phơi sáng bù trừ thành +/- 1 EV.
- Điều chỉnh cân bằng trắng: Đây là yếu tố cực quan trọng trong kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại. Bởi ảnh hồng ngoại nổi bật nhất ở màu sắc, trong khi màu sắc lại phụ thuộc vào cân bằng trắng. Việc tùy chỉnh WB trong thể loại nhiếp ảnh này là bắt buộc vì nếu không điều chỉnh, hình ảnh của bạn sẽ mặc định có màu đỏ. Vì vậy, để có được màu sắc ưng ý nhất cho bức ảnh, bạn cần điều chỉnh WB.
Bước 4: Thiết lập bố cục ảnh
Cũng giống như những thể loại ảnh khác, bố cục cũng là một yếu tố quan trọng đối với nhiếp ảnh hồng ngoại. Tương tự như chụp ảnh đen trắng, ảnh hồng ngoại cũng có tông màu bị hạn chế. Vì vậy, hãy thêm sự lôi cuốn cho bức ảnh bằng cách tăng các yếu tố tương phản cho nó. Chẳng hạn như đặt các đối tượng sáng và tối ở cạnh nhau.
Bước 5: Thời điểm chụp ảnh hồng ngoại
Thời gian chụp thể loại nhiếp ảnh này tốt nhất là khi có lượng ánh sáng mặt trời dồi dào, thường là từ 10h trưa đến 2h chiều. Ngược lại, nếu chụp vào những ngày đông hoặc ngày u ám sẽ không có bất kỳ thứ gì phản xạ lại tia hồng ngoại. Để làm nổi bật tông màu cho hình ảnh hồng ngoại của mình, bạn có thể chọn những địa điểm giàu sự tương phản.
Thực hiện tất cả những kỹ thuật trên và tiến hành bấm chụp chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh hồng ngoại cực kỳ ấn tượng.
Nếu bạn là một người đam mê khám phá những điều mới mẻ thì đừng ngần ngại bước chân vào thế giới nhiếp ảnh hồng ngoại. Hãy cùng VJShop thực hiện những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với kỹ năng chụp ảnh hồng ngoại chi tiết trên nhé!