Đối với bất cứ ai từng cầm máy có thể đã nghe đến cụm từ “nhiễu ảnh" hay "noise ảnh". Mặc dù đây không phải là hiện tượng mới khi trước đó, nó đã từng xuất hiện trong những bức ảnh film quen thuộc. Nhưng đối với các dòng máy ảnh hiện đại, điều này không làm cho bức ảnh trông nghệ thuật hơn một chút nào. Vậy để hiểu hơn vấn đề này, hãy cùng VJShop tìm hiểu ngay nhé.
Nhiễu ảnh - "Noise" ảnh là gì?
Trước khi tìm hiểu sâu hơn các cách để loại bỏ hiện tượng nhiễu ảnh, điều quan trong là phải hiểu được Nhiễu ảnh là gì. Hiện tượng "Noise" ảnh hay còn gọi là nhiễu ảnh thường dễ dàng bắt gặp bằng mắt thường. Nó khá giống với hiện tượng hạt nhiễu (Grain) trong ảnh film. Đó là các đốm lấm tấm nhỏ xuất hiện trên những hình ảnh chụp trong vùng tối hoặc nơi có điều kiện ánh sáng thấp.
Có mấy loại nhiễu ảnh
Có ba loại nhiễu ảnh chính đặc biệt xuất hiện nhiều nhất trong ảnh kỹ thuật số đó là: Luminance noise, Color noise (Chroma noise) và Hot pixels.
Trong đó, Luminance noise được coi là sự bất thường về độ tương phản của hình ảnh. Ở những vùng sáng, Luminance noise cho thấy các hạt nhiễu tối màu hơn trong khi vùng tối của hình ảnh lại hiển thị các hạt nhiễu sáng hơn. Color noise (Chroma noise) xuất hiện những hạt đốm ngẫu nhiên, không đều màu trên hình ảnh. Cuối cùng, loại thứ ba là Hot pixels tương tự như Color noise khi cũng hiển thị các điểm màu rõ rệt nhưng xu hướng hiển thị lớn và cách xa hơn so Color noise.
Các cách khử nhiễu hình ảnh
Để khử độ noise của ảnh tức là tỷ lệ gây nhiễu của bức ảnh phải vào mức tối thiểu. Mà điều này phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ hỗ trợ hình ảnh có trong camera cùng với một số kỹ thuật chụp phù hợp để có thể xuất ra hình ảnh mượt mà, sắc nét. Một số cách khử nhiễu dưới đây sẽ là những gợi ý thích hợp cho bạn.
Chụp ảnh với định dạng RAW
Điều đầu tiên và cũng là bước cơ bản nhất để tránh hiện tượng nhiễu ảnh chính là chụp ảnh với định dạng RAW. RAW là một định dạng tuyệt vời để tận dụng tối đa lượng thông tin có trong hình ảnh. Trong khi, tệp JPEG lại áp dụng tính năng nén hình ảnh khiến nó không thể nắm bắt được nhiều thông tin hình ảnh như tệp RAW.
Đặc biệt, bạn nên cân nhắc khi chụp JPEG trong điều kiện thiếu sáng. Trong trường hợp này, bạn buộc phải tăng ISO của cảm biến dẫn tới hình ảnh xuất ra có độ nhiễu, ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và đôi khi còn tệ hơn nữa. Điều đó dẫn tới việc sử dụng tệp JPEG nén hình ảnh sẽ gây khó khăn trong quá trình chỉnh sửa. Vì vậy, sử dụng ảnh RAW trong quá trình hậu kỳ, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh độ phơi sáng và tăng khả năng loại bỏ hiện tượng gây nhiễu một cách dễ dàng thay vì sử dụng ảnh JPEG.
Điều chỉnh độ phơi sáng chính xác
Để đảm bảo có độ phơi sáng chính xác khi chụp ảnh, đừng sử dụng thước đo sáng của máy mà thay vào đó hãy sử dụng biểu đồ Histogram. Đây là chế độ giúp bạn có thể nhìn thấy các vùng sáng, tối khó xử lý của bức ảnh để có phương án điều chỉnh thích hợp ở giai đoạn hậu kỳ.
Việc tối ưu dữ liệu thu sáng về bên phải (ETTR) được nhiều người cân nhắc như một phương án giảm nhiễu cơ bản. Kỹ thuật này cho phép người dùng dồn dữ liệu về bên phải của biểu đồ Histogram ngay khi có thể để hạn chế các vùng tối. Tuy nhiên, phần khó nhất về ETTR là bạn phải cẩn thận để tránh biểu đồ lệch quá sát về bên phải. Điều này sẽ làm cho dữ liệu của hình ảnh hoàn toàn biến mất do bị phơi sáng quá mức.
Kiểm soát độ nhạy sáng của máy ảnh
Có ba tham số tạo thành tam giác phơi sáng mà bạn cần biết đó là: khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO. Trong đó, thông số sau cùng đóng vai trò quan trọng để giảm nhiễu cho ảnh kỹ thuật số. Khi bạn sử dụng ISO cao, hiện tượng gây nhiễu càng lớn hơn cho máy ảnh của bạn. Bởi vì khi gia tăng ISO tức là bạn sẽ tăng độ nhạy của cảm biến máy đối với ánh sáng. Điều đó cũng sẽ khiến cho bộ xử lý của máy ảnh tạo ra các thông tin ngẫu nhiên dẫn đến tạo ra nhiều hiện tượng nhiễu ảnh hơn.
Có các tình huống cụ thể như trong điều kiện ánh sáng thấp có thể yêu cầu bạn tăng ISO lên, ví dụ như trong khi chụp cảnh đêm cần sử dụng đến kỹ thuật phơi sáng dài (Long Exposure) để tạo ra hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt. Tuy nhiên, để có thể chụp với ISO cao chỉ có thể dùng với các cảm biến có độ nhạy sáng tốt, ít gẫy nhiễu cho hình ảnh.
Sử dụng ống kính có khẩu độ lớn
Một trong những mẹo hay để giảm nhiễu ảnh là sử dụng ống kính có khẩu độ lớn. Mặc dù khẩu độ không trực tiếp ảnh hưởng đến lượng nhiễu của hình ảnh, nhưng một khẩu độ nhỏ trong điều kiện ánh sáng thấp sẽ buộc bạn phải chụp với tốc độ màn trập thấp và ISO cao.
Sử dụng máy ảnh với cảm biến FullFrame
Kích cỡ của cảm biến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhiễu. Một trong những khác biệt chính giữa các loại máy ảnh là sử dụng cảm biến crop (APS-C) và cảm biến Fullframe. Theo đó, lượng nhiễu mà chúng tạo ra sẽ hoàn toàn khác nhau giữa các loại cảm biến. Cảm biến có kích cỡ lớn như FullFrame sẽ thu được nhiều ánh sáng và thu thập nhiều dữ liệu thông tin hơn. Nói cách khác, máy ảnh có cảm biến Full-frame sẽ tạo ra ít nhiễu hơn so với máy ảnh có cảm biến APS-C.
Xử lý hậu kỳ cho bức ảnh
Cuối cùng, một trong những cách quen thuộc với các nhiếp ảnh gia đó là hậu kỳ cho bức ảnh. Ảnh nhiễu đòi hỏi bạn phải có khả năng sử dụng các phần mềm chỉnh sửa như: Photoshop, Lightroom.
Tạm kết
Như vậy, chìa khóa để tránh nhiễu ảnh là hiểu được các kỹ thuật giảm độ noise hình ảnh cho máy và cải thiện hình ảnh ở giai đoạn hậu kỳ. Việc lựa chọn các cài đặt điều chỉnh ánh sáng phù hợp cùng với công nghệ máy hiện đại cho phép chụp hình trong các điều kiện thiếu sáng sẽ đảm bảo rằng bạn có được các tác phẩm rõ ràng và sắc nét nhất. Hy vọng các hướng dẫn trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về noise ảnh và cách khử nhiễu cho bức ảnh của mình nhé.