Là một người đam mê nhiếp ảnh, hẳn bạn không còn xa lạ với các khái niệm liên quan đến máy ảnh, ống kính,... Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu có lẽ sẽ cảm thấy hơi “ngợp” với những kiến thức có phần “chuyên ngành”. Vì vậy, bài viết hôm nay VJShop sẽ giúp các bạn định nghĩa lens máy ảnh là gì, tìm hiểu về lens máy ảnh đầy đủ, chính xác nhất.
>>> Xem thêm:
- Sự Khác Biệt Giữa Ổn Định Hình Ảnh Trong Ống Kính Và Trong Thân Máy
- Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả khi lens ống kính bị mờ
- Ống kính bị mốc: Biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục
Lens máy ảnh là gì?
Lens máy ảnh hay ống kính máy ảnh là phụ kiện giúp tập trung ánh sáng từ những gì bạn nhìn thấy qua kính ngắm vào một điểm (thường có kích thước 35mm) ở mặt sau của máy ảnh film, máy ảnh DSLR hoặc máy ảnh mirrorless.
Tìm hiểu về lens máy ảnh - Chức năng ống kính
Lens máy ảnh là phụ kiện không thể thiếu với nhiều tính năng hữu ích, hỗ trợ tối đa cho các nhiếp ảnh gia trong quá trình tác nghiệp.
Autofocus - Lấy nét tự động
Hầu hết các ống kính ngày nay đều là ống kính có khả năng lấy nét tự động. Thường có một công tắc trang bị trên ống kính hoặc một tùy chọn trong menu của máy ảnh để người dùng dễ dàng chuyển sang chế độ lấy nét thủ công nếu bạn muốn tinh chỉnh độ dài tiêu cự ống kính, hoặc trong trường hợp tính năng lấy nét tự động không hoạt động bình thường. Điều này đôi khi có thể xảy ra trong các điều kiện ánh sáng yếu, không có đủ độ tương phản trong cảnh.
Manual Focus - Lấy nét thủ công
Mặc dù hiện nay đa phần ống kính đều lấy nét tự động - đây cũng là loại lens máy ảnh mà các nhiếp ảnh gia cũng ưu tiên sử dụng. Nhưng trên thị trường vẫn có rất nhiều ống kính lấy nét thủ công.
Những mẫu lens này hầu hết được sử dụng trong các điều kiện chụp đặc biệt, điển hình như chụp ảnh ban đêm, chụp cận cảnh và phong cảnh, khi cần lấy nét cực kỳ chính xác hoặc khi tính năng lấy nét tự động không hoạt động bình thường. Ống kính lấy nét thủ công thường có giá thành rẻ hơn ống kính lấy nét tự động.
Image Stabilization - Ổn định hình ảnh
Trong quá trình chụp ảnh, việc tay run làm rung máy và hình ảnh mờ đối với các nhiếp ảnh gia tĩnh và hiện tượng giật hình trong video là điều xảy ra thường xuyên. Điều này đặc biệt đúng khi bạn sử dụng những ống kính chụp ảnh xa có kích thước lớn, nặng với tốc độ màn trập dài.
Hiện nay, nhiều ống kính trang bị thêm khả năng ổn định hình ảnh - một tính năng được thiết kế để bù độ rung và giúp người dùng ghi lại hình ảnh sắc nét. Tính năng ổn định hình ảnh cũng cho phép bạn sử dụng tốc độ cửa trập lâu hơn để có được những bức ảnh sắc nét trong điều kiện ánh sáng yếu. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm tính năng ổn định hình ảnh sẽ làm cho ống kính nặng hơn một chút.
Tên gọi các tính năng ổn định hình ảnh
Các nhà sản xuất ống kính thường áp dụng các thuật ngữ khác nhau để gọi tên tính năng ổn định hình ảnh của riêng mình.
- Canon: Ổn định hình ảnh - Image Stabilization (IS)
- Nikon: Chống rung - Vibration Reduction (VR).
- Sony: Chụp ổn định quang học - Optical Steady Shot (OSS).
- Tamron: Bù rung - Vibration Compensation (VC)
- Sigma: Ổn định quang học - Optical Stabilization (OS)
Nhưng dù tên gọi khác nhau thì tác dụng của những tính năng này đều giúp ổn định chất lượng hình ảnh cho nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên, khi lens trang bị Image Stabilization đồng nghĩa với việc trọng lượng của ống kính sẽ theo đó tăng lên.
Công nghệ ổn định hình ảnh IBIS
Bên cạnh việc lens được trang bị sẵn khả năng chống rung hình ảnh - Image Stabilization, cũng có những loại ống kính không có sẵn tính năng này. Thay vào đó, chúng ta có thêm công nghệ ổn định hình ảnh IBIS được tích hợp sẵn trên một số dòng máy ảnh giúp chống rung. Công nghệ này rất hữu ích khi người dùng sử dụng ống kính không có tính năng ổn định hình ảnh. Đặc biệt, một số hệ thống camera có thể kết hợp IBIS với ổn định ống kính, cho ra combo chống rung cả máy và lens tốt hơn, ấn tượng hơn.
Các chế độ Image Stabilization
Những nhà sản xuất ống kính đã thêm các chế độ chống rung khác nhau nhằm cải thiện hiệu suất chụp hình trong các tình huống đặc biệt. Hầu hết các ống kính chụp xa (telephoto lenses) đều có Chế độ 1 và Chế độ 2, nhưng một số loại lens có thể được trang bị thêm Chế độ 3.
- Chế độ 1: Sử dụng khi các nhiếp ảnh gia muốn ổn định hình ảnh khi chụp ảnh tĩnh.
- Chế độ 2: Sử dụng khi người dùng muốn theo dõi các đối tượng di chuyển trên một đường thẳng chẳng hạn như ô tô hoặc người đang chạy.
- Chế độ 3: Sử dụng để chụp các đối tượng chuyển động nhanh, khó đoán, điển hình như vận động viên hoặc những chú chim đang bay.
Khẩu độ ống kính và F-stop
Khẩu độ ống kính có tác dụng kiểm soát lượng ánh sáng đi vào máy ảnh qua ống kính. Yếu tố này cũng làm ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (DoF). Việc các nhiếp ảnh gia cài đặt khẩu độ được gọi là f-stop. Người dùng thiết lập số f cao có nghĩa là khẩu độ mở nhỏ hơn, lượng ánh sáng đi qua ống kính cũng ít hơn, và ngược lại khi số f thấp tức là khẩu độ rộng hơn và nhiều ánh sáng đi vào cảm biến hơn.
Nếu bạn muốn chụp nhiều ảnh trong nhà hoặc trong các điều kiện ánh sáng yếu khác, bạn có lẽ sẽ cần một ống kính “nhanh”. Loại lens này có cài đặt f-stop thấp như: f/2.8, f/2 hoặc thấp hơn nữa. Ngoài ra, một số ống kính zoom hỗ trợ người dùng thay đổi khẩu độ tùy theo mục đích sử dụng. Ví dụ: ở mức thu phóng 100-400mm nhiếp ảnh gia có thể cài đặt khẩu độ ở f/4.5-5.6. Điều này có nghĩa là khẩu độ của ống kính sẽ giảm xuống f/4.5 ở khoảng cách tiêu cự lens ngắn nhất và sẽ thay đổi thành f/5.6 khi bạn phóng to và chuyển sang tiêu cự ống kính dài hơn.
Khả năng chống chịu thời tiết
Các ống kính cao cấp thường đi kèm với khả năng chống chịu thời tiết như chống thấm nước và kháng bụi. Thiết kế này thường liên quan đến việc nhà sản xuất bịt kín khoảng hở xung quanh công tắc, nút ấn, cổng kết nối và các khu vực khác có thể cho phép các “phần tử ngoại lai” lẻn vào lens.
Tuy nhiên, khả năng chống chịu thời tiết chỉ giới hạn ở một mức độ nhất định chứ không hoàn toàn tránh được các tác động từ môi trường bên ngoài. Người dùng nên kiểm tra kỹ các thông số chịu nước, chịu bụi bẩn,... của lens trước khi có ý định chụp ảnh ngoài trời.
Khả năng tương thích của ống kính
Hãy chắc chắn rằng lens bạn mua sẽ hoạt động được với chiếc máy ảnh của bạn. Bởi lẽ, trên thực tế không phải bất kỳ loại ống kính và máy ảnh nào cũng có thiết kế tương thích với nhau.
Ngàm ống kính
Hầu hết các hãng sản xuất máy ảnh đều có thiết kế ngàm ống kính độc quyền. Đồng nghĩa với việc người dùng không thể dùng kết hợp các ống kính từ các nhà sản xuất máy ảnh khác nhau. Hiểu hơn giản thì ống kính Canon sẽ không sử dụng với máy ảnh Nikon hoặc Sony và ngược lại.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ khi 3 ông lớn Leica, Sigma và Panasonic đã liên kết với nhau tạo ra liên minh ống kính ngàm L, cho phép khách hàng có thể sử dụng kết hợp ống kính này với máy ảnh ngàm L của họ. Hay Olympus và Panasonic cũng đã tạo ra máy ảnh Micro Four-Thirds. Người dùng có thể sử dụng ống kính từ một trong hai nhà sản xuất cùng với máy ảnh của mình.
Ngoài ra, có một số thương hiệu, chẳng hạn như Sigma và Tamron chuyên sản xuất ống kính tương thích với máy ảnh của các ông lớn. Những loại lens này thường nhằm mục đích cung cấp các tính năng và chất lượng hình ảnh ngang bằng (hoặc thậm chí tốt hơn) nhưng có mức giá rẻ hơn so với ống kính do chính nhà sản xuất máy ảnh cung cấp.
Phân loại ống kính máy ảnh
Hiện nay, trên thị trường có nhiều dòng máy ảnh khác nhau với khả năng tương thích các mẫu ống kính khác nhau.
Ống kính DSLR/Mirrorless
Giữa ống kính DSLR, ống kính mirrorless và những ống kính dành cho máy ảnh APS-C, máy ảnh full-frame luôn có những sự khác biệt nhất định. Ngay cả khi được “ra lò” từ cùng một nhà sản xuất, máy ảnh DSLR và máy ảnh không gương lật cũng có nhiều loại ngàm khác nhau, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đang mua đúng loại ống kính cho máy ảnh của mình.
Canon và Nikon đã tạo ra các bộ “adapter” cho phép người dùng sử dụng một trong các ống kính DSLR trên một trong các máy ảnh mirrorless khác mà không gặp vấn đề gì. Ngoài ra còn có một số nhà sản xuất cũng cho ra những mẫu adapter. Tuy nhiên, không phải lúc nào những phụ kiện này cũng hoạt động tốt như bộ adapter do chính hãng cung cấp.
Ống kính APS-C/Fullframe
Các ống kính dành cho máy ảnh full-frame sẽ hoạt động tốt trên máy ảnh APS-C, nhưng các ống kính dành cho APS-C sẽ không hoạt động trên máy ảnh full-frame do trường nhìn nhỏ hơn.
Lấy nét điện tử và Lấy nét tuyến tính
Công nghệ lấy nét cũng là một trong những yếu tố bạn cần quan tâm khi tìm hiểu về lens máy ảnh. Thông thường, các ống kính có hệ thống Lấy nét điện tử - Focus by wire hoặc Lấy nét tuyến tính - Focus by linear. “Focus-by-wire” là một hệ thống lấy nét điện tử trong khi "Focus by linear" là một hệ thống cơ học.
Focus by wire
Với hệ thống lấy nét điện tử, khi nhiếp ảnh gia điều chỉnh vòng lấy nét, một tín hiệu sẽ được gửi đến hệ thống quang học để điều chỉnh và lấy nét ống kính.
Hệ thống lấy nét Focus by wire lấy nét nhanh hơn hệ thống tuyến tính Focus by linear khi sử dụng lấy nét tự động. Tuy nhiên, sẽ hơi khó khăn với người dùng nếu muốn lấy nét hơn bằng các thao tác thủ công.
Focus by linear
Với hệ thống lấy nét tuyến tính, người dùng sẽ điều chỉnh hệ thống quang học khi xoay vòng lấy nét. Mỗi vị trí của vòng lấy nét tương ứng với một khoảng cách cụ thể từ ống kính. Điều này cho phép các nhà sản xuất đặt các điểm đánh dấu khoảng cách trên lens, tạo sự thuận tiện cho người sử dụng.
Biến dạng ống kính
Ống kính máy ảnh có ba loại biến dạng quang học: Barrel, Pincushion và Mustache. Bạn sẽ gặp hiện tượng biến dạng này với các ống kính góc rộng.
Biến dạng Barrel
Hình ảnh bị méo dạng Barrel nhìn có vẻ bình thường ở phần trung tâm nhưng bắt đầu cong về hai bên. Các đường ở các cạnh đối diện của trung tâm dường như cong ra ngoài giống như các cạnh của một cái thùng.
Biến dạng Pincushion
Biến dạng Pincushion thì ngược lại. Các đường cách xa trung tâm bắt đầu đổ tụ vào trong tâm khung hình. Hiệu ứng này bạn sẽ hay gặp khi sử dụng ống kính chụp ảnh xa.
Biến dạng Mustache
Biến dạng Mustache là sự kết hợp giữa biến dạng barrel và pincushion. Các đường thẳng về phía trung tâm của hình ảnh hướng ra ngoài so với trung tâm, trong khi các đường ở các cạnh cong vào trong về phía trung tâm.
Các loại biến dạng ống kính barrel và pincushion có thể dễ dàng chỉnh sửa hoặc ít nhất là được cải thiện trong Lightroom và các phần mềm chỉnh sửa khác.
Cấu tạo ống kính máy ảnh
Trong quá tình tìm hiểu về lens máy ảnh, cấu tạo lens máy ảnh là một trong những kiến thức chắc chắn người dùng cần phải nắm được. Cấu tạo quang học của ống kính gồm một mảnh thủy tinh hoặc vật liệu trong suốt khác được sử dụng trong thấu kính máy ảnh để khúc xạ (uốn cong) ánh sáng. Ống kính máy ảnh có thể chứa một hoặc nhiều thành phần thấu kính, số lượng và thành phần thấu kính có thể khác nhau tùy thuộc vào thiết kế của lens.
Thành phần thấu kính
Khi xem thông số kỹ thuật của ống kính máy ảnh, người dùng có thể nhận thấy rằng nhà sản xuất thường sắp xếp số lượng thành phần thấu kính vào thành các nhóm.
Lens máy ảnh hiện đại thường được tạo bằng cách sử dụng nhiều thấu kính trong các nhóm khác nhau. Các thấu kính này có hình dạng, vật liệu và chất lượng khác nhau. Mỗi nhóm có thể có một chức năng riêng, góp phần cấu tạo nên hệ thống thấu kính hoàn chỉnh.
Các thành phần thấu kính cấu tạo từ thủy tinh có thể khiến nhiếp ảnh gia gặp khó khăn với hiện tượng quang sai màu, vì vậy nhà sản xuất có thể bổ sung thêm một số thành phần có độ phân tán thấp được tạo ra bằng các vật liệu khác (ví dụ: fluorite) có chỉ số khúc xạ thấp hơn để giảm độ quang sai.
Một số hình dạng nhất định có thể được sử dụng trong các thành phần thấu kính khác để cải thiện chất lượng hình ảnh. Ví dụ: thấu kính phi cầu thường được sử dụng để chống tình trạng biến dạng trong ống kính góc rộng và giảm quang sai hình cầu trên ống kính nhanh.
Một số nhóm thấu kính có thể di chuyển trong ống kính để thu phóng và lấy nét. Trong khi đó, một số nhóm mang lại khả năng ổn định hình ảnh.
Lớp phủ ống kính
Lớp phủ ống kính là các lớp vật liệu mỏng được phủ lên bề mặt lens máy ảnh nhằm cải thiện hiệu suất hoạt động. Có nhiều loại lớp phủ ống kính khác nhau, mỗi loại này sẽ có một mục đích cụ thể. Một số lớp phủ thấu kính phổ biến bao gồm:
- Lớp phủ chống phản chiếu: Những lớp phủ này giúp giảm lượng ánh sáng phản xạ khỏi bề mặt thấu kính, từ đó làm giảm hiện tượng lóa và bóng mờ trong ảnh.
- Lớp phủ UV: Những lớp phủ này giúp chặn ánh sáng cực tím (UV), có thể gây ra hiện tượng thay đổi màu sắc trên bức ảnh và có thể gây hại cho mắt người chụp.
- Lớp phủ chống thấm nước và dầu: Những lớp phủ này giúp ngăn nước và dầu bám vào bề mặt ống kính. Người dùng có thể làm sạch ống kính dễ dàng hơn để nâng cao chất lượng hình ảnh.
- Lớp phủ chống trầy xước: Đây là loại lớp phủ có tác dụng bảo vệ bề mặt ống kính khỏi trầy xước.
Lớp phủ ống kính có thể được sử dụng cho các thành phần phía trước/phía sau của ống kính và được làm từ nhiều loại vật liệu bao gồm polyme, kim loại và gốm.
Các vấn đề có thể gặp trên ống kính
Mặc dù việc sử dụng ống kính máy ảnh mang lại rất nhiều tính năng hữu ích phục vụ cho quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhưng người dùng cũng có thể gặp phải một số hiện tượng khi kết hợp ống kính với máy ảnh.
Hiệu ứng Bokeh
Bokeh là một từ tiếng Nhật có nghĩa là mờ. Hiện tượng bokeh là một hiện tượng thường gặp khi trên ảnh xuất hiện các vùng mờ. Hiệu ứng bokeh “tốt” sẽ mang lại cảm giác mượt mà, mịn màng khi nhìn vào bức ảnh. Trong khi đó, hiệu ứng bokeh “xấu” sẽ tạo cảm giác thô hơn cho người nhìn. Ví dụ: các cạnh của một điểm sáng sẽ hòa trộn mượt mà vào hậu cảnh nếu ống kính có hiệu ứng bokeh “tốt”.
Một ống kính có hiệu ứng bokeh “xấu” sẽ hiển thị các cạnh rõ ràng xung quanh vòng tròn ánh sáng và thậm chí có thể hiển thị hiệu ứng bokeh “vòng hành tây” – một điểm sáng sẽ có các vòng bên trong, giống như các vòng bên trong củ hành.
>>> Tìm hiểu thêm: Hiện tượng Bokeh Là Gì? Gợi Ý 9 Cách Tạo Ảnh Chụp Hiệu Ứng Bokeh Đẹp Mắt
Focus Breathing
Focus Breathing là hiện tượng khi góc xem của ống kính thay đổi khi tiêu điểm thay đổi. Cái tên này bắt nguồn từ sự xuất hiện của một ống kính “thở” vào và ra khi một nhiếp ảnh gia điều chỉnh vòng lấy nét qua lại.
Nhiếp ảnh gia có thể quan sát hiện tượng ống kính “thở” rõ nét nhất ở khoảng cách lấy nét tối thiểu. Focus Breathing có thể làm thay đổi bố cục bức ảnh đối trong các trường hợp chụp ảnh tĩnh và những hiệu ứng hình ảnh không mong muốn khi quay video.
Các ống kính đắt tiền dành cho dân chuyên thường ít xảy ra hiện tượng Focus Breathing hơn so với các loại lens thông thường có rẻ hơn dành cho người mới bắt đầu.
>>> Tìm hiểu thêm: Hiện Tượng Focus Breathing Là Gì? Cách Cải Thiện Hiện Tượng Focus Breathing Trên Ống Kính?
Quang sai màu - Chromatic Aberration
Quang sai màu xuất hiện dưới dạng viền màu, đặc biệt ở những vùng hình ảnh có độ tương phản cao. Hiện tượng quang sai màu xảy ra khi thấu kính không thể hội tụ tất cả các bước sóng ánh sáng trên cùng một mặt phẳng tiêu cự.
Trên thực tế, tất cả các ống kính được cho là có ít nhất một độ quang sai màu nhất định, nhưng tùy từng loại lens sẽ có nhiều hơn những dòng còn lại. Các nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng xóa hoặc giảm bớt trong quá trình xử lý hậu kỳ trong Lightroom và các phần mềm chỉnh sửa khác. Bạn cũng có thể hạn chế hiện tượng này trong quá trình chụp bằng cách thiết lập f-stop cao hơn.
>>> Xem thêm: Quang Sai Màu Là Gì? Cách Tránh Hiện Tượng Quang Sai Trong Nhiếp Ảnh
Coma
Hiện tượng Coma này xảy ra khi các điểm sáng ở các cạnh của bức ảnh bị kéo dài thành các hình dạng giống như sao chổi. Bạn bắt gặp hiện tượng này thường xuyên nhất trong quá trình chụp ảnh thiên văn khi các ngôi sao dọc theo các cạnh bên ngoài của ảnh trông giống sao chổi hơn là các điểm ánh sáng.
Người dùng không thể sửa tình trạng coma trong quá trình xử lý hậu kỳ, nhưng có thể giảm tình trạng này bằng cách sử dụng f-stop cao hơn.
Tuy nhiên, bạn có thể không muốn sử dụng f-stop cao nếu bạn đang chụp ảnh bầu trời đêm. Hãy tìm một ống kính ít hoặc không có hiện tượng Coma nếu bạn muốn chụp như bức ảnh thiên văn hoàn hảo nhất.
Ống kính Parfocal và Ống kính Varifocal
Có hai loại lens máy ảnh phổ biến mà bạn cần phân biệt rõ khi tìm hiểu về lens máy ảnh: ống kính tiêu cự và ống kính tiêu điểm. Mỗi ống kính sẽ có tác dụng khác nhau hỗ trợ các nhiếp ảnh gia khi tác nghiệp.
Ống kính tiêu cự (Parfocal lens)
Ống kính tiêu cự (Parfocal lens) là một loại lens máy ảnh có khả năng duy trì mặt phẳng tiêu cự ngay cả khi người dùng phóng to hoặc thu nhỏ. Có nghĩa là khi độ dài tiêu cự của ống kính thay đổi, điểm lấy nét sẽ không thay đổi. Đây là ưu điểm giúp ích cho các nhiếp ảnh gia trong một số tình huống chụp ảnh nhất định, chẳng hạn như khi chụp một đối tượng đang chuyển động.
Sử dụng ống tiêu cự cho phép người dùng phóng to đối tượng để lấy nét nhưng sau đó thu nhỏ lại để tạo bố cục mong muốn mà không phải lo lắng rằng tiêu điểm của bạn sẽ bị thay đổi trong quá trình này.
Ống kính tiêu điểm (Varifocal lens)
Ngược lại với ống kính Parfocal, ống kính Varifocal sẽ thay đổi tiêu điểm khi độ dài tiêu cự ống kính thay đổi. Thấu kính Parfocal thường có giá thành đắt hơn thấu kính Varifocal. Tuy nhiên, loại lens này cũng có ưu điểm như khả năng thay đổi phạm vi thu phóng, kích thước nhỏ hơn và trọng lượng thấp hơn.
Ý nghĩa ký hiệu trên ống kính
Với những người mới bắt đầu, có lẽ bạn sẽ thấy khó nắm bắt khi có nhiều kí hiệu trên ống kính. Cùng VJShop tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa những ký hiệu trên lens máy ảnh nhé!
1. Thread Size - Kích thước ren
Kích thước ren của ống kính sẽ được hiển thị cùng với biểu tượng Phi (Φ) kèm theo đó là một con số. Nếu bạn muốn gắn bất kỳ bộ lọc filter nào vào ống kính, bạn cần biết kích thước ren vì kích thước ren của bộ lọc phải phù hợp với kích thước ren của ống kính máy ảnh.
2. Image Stabilizer/Vibration Reduction - Ổn định hình ảnh/Giảm rung
Nếu ống kính có tùy chọn ổn định hình ảnh tích hợp, bạn có thể thấy công tắc BẬT/TẮT bộ ổn định hình ảnh được trang bị ngay trên bề mặt lens. Bạn có thể bật công tắc này sang BẬT và TẮT để kích hoạt tính năng ổn định của ống kính.
3. Stabilizer Mode (1,2,3) - Chế độ Ổn định (1,2,3)
Các ống kính loại cao cấp, đặc biệt là ống kính tele chụp ảnh xa sẽ cũng đi kèm với các chế độ ổn định khác nhau. Mỗi lens máy ảnh có thể là 2 chế độ hoặc 3 chế độ. Nếu có 3 chế độ, bạn có thể thấy một công tắc trượt có thể di chuyển ở 3 vị trí.
4. Focusing (AF/MF) - Lấy nét (AF/MF)
Tất cả các ống kính máy ảnh hỗ trợ lấy nét tự động sẽ đi kèm với công tắc AF/MF. Ở đây, AF là viết tắt của Autofocus và MF là viết tắt của Manual Focus. Bạn có thể trượt công tắc sang AF nếu muốn sử dụng tính năng lấy nét tự động. Nếu bạn muốn lấy nét đối tượng theo cách thủ công, hãy trượt nút này sang MF.
5. Focus Distance - Khoảng cách lấy nét
Một số ống kính máy ảnh, đặc biệt là ống kính chụp ảnh xa sẽ đi kèm với một công tắc để thay đổi phạm vi khoảng cách lấy nét.
Ưu điểm của việc sử dụng công tắc này là tốc độ lấy nét tự động nhanh trong phạm vi ngắn. Tuy nhiên, khi nhiếp ảnh gia sử dụng toàn bộ phạm vi lấy nét, tốc độ lấy nét sẽ giảm đi một chút.
6. Tên nhãn hiệu ống kính
Tên nhãn hiệu máy ảnh sẽ được in trên tất cả các ống kính máy ảnh. Bạn có thể thấy Canon, Nikon, Sony, Tamron, Laowa, Sigma,... được ghi trên ống kính do các hãng này sản xuất. Tên thương hiệu cũng sẽ có trên nắp ống kính phía trước và phía sau.
7. Nút căn chỉnh thân máy ảnh
Ống kính cũng sẽ có một nút căn chỉnh ở mặt sau. Người dùng chỉ cần căn chỉnh nút này trùng với nút ở thân máy sau đó gắn vào và xoay ống kính theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại để kết nối ống kính với thân máy. Hướng quay của mỗi hãng sản xuất sẽ khác nhau.
8. Tên chính xác của ống kính máy ảnh
Tên chính xác của ống kính cũng sẽ được in trên thân, bao gồm tên thương hiệu ống kính, loại động cơ lấy nét, phạm vi độ dài tiêu cự lens, ổn định hình ảnh và độ mở ống kính tối đa. Thông qua đó, người dùng có thể biết các thông số kỹ thuật của các lens máy ảnh khác nhau.
9. Hiển thị khoảng cách lấy nét
Nhiều ống kính, đặc biệt là các ống kính cao cấp cũng có màn hình hiển thị khoảng cách lấy nét. Người dùng có thể quan sát sự biến động các thông số qua màn hình này khi bạn xoay vòng lấy nét trong ống kính hoặc khi bạn sử dụng tính năng lấy nét tự động trong máy ảnh để lấy nét đối tượng.
10. Phạm vi độ dài tiêu cự ống kính
Nhiếp ảnh gia cũng có thể xem phạm vi độ dài tiêu cự ống kính được ghi trên ống kính theo đơn vị mm. Mỗi lens máy ảnh sẽ có một tiêu cự duy nhất, nhưng nếu đó là ống kính một tiêu cự. Đối với ống kính thu phóng, bạn có thể xem phạm vi độ dài tiêu cự ống kính.
11. Địa điểm sản xuất
Hầu hết các ống kính máy ảnh cũng sẽ có tên quốc gia sản xuất được in bên trên. Nếu bạn sử dụng ống kính Nikon hoặc Canon, bạn có thể thấy dòng chữ “MADE IN JAPAN” được in trên đó.
12. Loại động cơ lấy nét
Người dùng cũng có thể biết được loại động cơ lấy nét được in trên ống kính máy ảnh.
- Nếu là lens Canon thì sẽ là motor STM hoặc USM.
- Nếu là ống kính Nikon thì sẽ là AF-S, AF-P, AF-I, và AF motor.
13. Kí hiệu CE và các chi tiết khác
Người dùng ống kính máy ảnh cũng có thể thấy kí hiệu “CE” và các chi tiết khác trên bề mặt lens. Những kí hiệu này hiển thị các thông số kỹ thuật của ống kính (những thông tin này không liên quan gì đến thông số kỹ thuật chức năng của ống kính).
14. Focus Preset - Cài đặt lấy nét trước
Tính năng Focus Preset sẽ được trang bị trên các ống kính chụp ảnh xa cao cấp. Người dùng có thể thiết lập thông qua hệ thống hai nút ở đây.
- Nút đầu tiên là bật cài đặt trước tiêu cự lens, được biểu thị bằng nút “SET” trong ống kính Canon.
- Nút thứ hai sẽ là một thanh trượt có 3 vị trí – BẬT, TẮT và chỉ báo âm thanh bíp. Nếu bạn muốn sử dụng tiêu điểm đặt sẵn, bạn cần đặt thanh trượt sang BẬT hoặc chỉ báo âm thanh bíp.
VJShop.vn - Địa chỉ mua ống kính máy ảnh chất lượng
Hiện nay tại hệ thống cửa hàng của VJShop đang cung cấp các dòng ống kính máy ảnh chính hãng, chất lượng đến từ các thương hiệu nổi tiếng: Canon, Nikon, Sony, Fujifilm, Tamron, Leica,...
Bạn có thể tham khảo các mẫu ống kính trên website VJShop.vn để tìm được chiếc lens phù hợp nhất:
Trên đây là những thông tin cơ bản, cần thiết mà bạn nên nắm bắt khi mới bước chân vào thế giới nhiếp ảnh, khái niệm lens máy ảnh là gì, tìm hiểu về lens máy ảnh chi tiết. Hy vọng với những kiến thức chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn trở thành những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.